Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,70%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,11%; thu ngân sách ước 322 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 62% dự toán, tăng 20,4% so với cùng kỳ.
![]() |
Tốc độ tăng trưởng trên địa bàn TP.HCM cũ 6 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024. |
Tốc độ tăng trưởng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,61%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,9%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 36,5% so với cùng kỳ; thu hút vốn FDI đạt 1,3 tỷ USD; thu ngân sách ước 48 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 47% dự toán, giảm 13% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 9,35 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 39%.
Tốc độ tăng trưởng tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định với nhiều kết quả tích cực; (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 8,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 18%; xuất khẩu ước tăng 13,9%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 12,5% so với cùng kỳ; thu hút vốn FDI đạt 0,9 tỷ USD (tăng gấp 2,5 so với cùng kỳ năm 2024); thu ngân sách ước 44,8 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 62% dự toán, tăng 26% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15%.
Nếu tính theo TP.HCM (mới), tăng trưởng ước đạt 6,56%. Tính chung tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ Thành phố mới tăng 16,2%; tổng thu hút vốn FDI 3 địa phương đạt hơn 5,2 tỷ USD; thu ngân sách Thành phố mới ước đạt 415 nghìn tỷ, đạt 60% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công Thành phố mới ước 46.800 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đánh giá của UBND Thành phố, tình hình kinh tế - xã hội Thành phố 6 tháng đầu năm 2025 đạt một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP dự ước đạt khá; sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố được mở rộng quy mô.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt cao so với kế hoạch, góp phần đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Thành phố; hoạt động sản xuất trong nước có tín hiệu ổn định hơn nhờ triển vọng đàm phán thương mại, tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa thị trường.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tạm thời chưa chịu tác động do quyết định hoãn áp dụng thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã kịp thời ứng phó với những thách thức từ thị trường, nhất là các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa để giao cho khách hàng nước ngoài.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu đáp ứng được nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân; các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tiếp tục được quan tâm, triển khai.
Thành phố tiếp tục chủ động triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường với các hoạt động xúc tiến thương mại như triển lãm, khuyến mại, thông tin và kết nối sản phẩm hiệu quả. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang tận dụng tối đa lợi thế từ các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy vậy, Thành phố cũng nhìn nhận còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, như: Công tác huy động nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, các quỹ đất lớn sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư chưa có hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý.
Nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đảm bảo tiến độ do thiếu cát san lấp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm. Công tác phối hợp, đôn đốc giữa các chủ đầu tư với UBND các quận, huyện trong thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ còn thấp.