Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Thép cán nóng nhập khẩu ồ ạt lớn hơn sản xuất trong nước, có phá giá hay không cứ “đưa ra trước cửa công”

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Thép cán nóng nhập khẩu ồ ạt lớn hơn sản xuất trong nước, có phá giá hay không cứ “đưa ra trước cửa công”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lần đầu chia sẻ quan điểm về việc Hòa Phát đề xuất điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu. Đây là sự việc được dư luận, đặc biệt các cổ đông của Hòa Phát quan tâm vì có sự phản ứng quyết liệt từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu HRC tại Việt Nam.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra sáng nay ngày 11/4/2024, tại Hà Nội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG - sàn HOSE) lần đầu chia sẻ quan điểm về việc Hòa Phát đề xuất điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu. Đây là sự việc được dư luận, đặc biệt các cổ đông của Hòa Phát quan tâm vì có sự phản ứng quyết liệt từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu HRC tại Việt Nam.

Bảo vệ sản xuất trong nước

Ông Long nhiều lần nhấn mạnh: “Không nước nào trên thế giới chấp nhận hàng hóa nhập khẩu tràn vào với số lượng nhiều hơn cả lượng sản xuất trong nước. Nhập khẩu ồ ạt sớm muộn sẽ đè bẹp sản xuất trong nước”.

Trên cơ sở hành vi nhập khẩu ồ ạt HRC suốt một thời gian, Hòa Phát và Formosa đã gửi đơn điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu, đơn đang trong quá trình thẩm định của Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương.

Ông Long nêu quan điểm, kiến nghị điều tra chống bán phá giá là biện pháp tự vệ bình thường xảy ra thường xuyên ở nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đối diện với hành vi điều tra chống bán phá giá ở các nước nhập khẩu hàng hóa. Việc điều tra chống bán phá giá là trách nhiệm của cơ quan chức năng nhà nước, doanh nghiệp chờ các cơ quan làm cho khách quan công bằng.

“Không nước nào chấp nhận khi trong nước đã đầu tư rất nhiều để sản xuất mà lượng hàng nhập khẩu lại lớn hơn lượng sản xuất trong nước như vậy. Trong năm 2023, lượng sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa là 6,7 triệu tấn thì nhập khẩu là 9,6 triệu tấn. Còn theo số liệu quý I/2024, sản xuất trong nước là 2 triệu tấn còn nhập khẩu theo Tổng cục Hải quan là 3 triệu tấn, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 2,3 triệu tấn.

Nhìn ra các nước khác, nền kinh tế phát triển như Mỹ, lượng nhập khẩu chỉ bằng 10% sản xuất trong nước, họ không những áp thuế chống bán phá giá mà còn áp ngay điều 232 về đạo luật thương mại mở rộng khi sản phẩm bị điều tra được cho là đe dọa đến an ninh quốc gia để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Hai nền kinh tế trong khu vực tương đồng với chúng ta là Thái Lan và Indonesia đã lập tức áp thuế chống bán giá HRC khi mà lượng nhập khẩu bằng mấy chục phần trăm sản xuất trong nước.

Chúng tôi khởi kiện điều tra thép từ Trung Quốc và Ấn Độ bán phá giá vào Việt Nam về lượng và về giá. Quan điểm của Hòa Phát là không đôi co, mọi chuyện cứ đưa ra cửa công điều tra cho rõ ràng”, ông Long nhấn mạnh quan điểm trước Đại hội đồng cổ đông.

Ông Long bày tỏ quan điểm: “Chúng ta ở đây trước khi là cổ đông của Hòa Phát đều là công dân của Việt Nam. Nước nào cũng ủng hộ sản xuất trong nước. Ngành thép, lượng nhập khẩu đang lớn hơn cả lượng sản xuất trong nước. 30 năm trước Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thép, ngày hôm nay, chúng ta có tên trên bản đồ thép, đặc biệt là ngành thép chế tạo. Nước ta là nước có ngành công nghiệp thép hàng đầu Đông Nam Á với năng lực sản xuất trên 20 triệu tấn thép. Thép là bánh mì của ngành công nghiệp. Qua cuộc chiến Nga và Ukraine, chúng ta thấy vai trò của ngành công nghiệp thép với an ninh quốc phòng là rất quan trọng. Cho nên tôi rất mong quý vị cổ đông ngồi đây ở rất nhiều giai tầng trong xã hội, mong các quý vị ủng hộ sản xuất trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội Thép đã nêu rất rõ quan điểm bảo vệ sản xuất thép từ thượng nguồn. Không có lý do gì chúng tôi bỏ ra 7 tỷ USD để làm thép mà không bảo vệ chúng tôi, nếu không chúng tôi bỏ tiền vào bất động sản rồi. Chúng tôi nhận thấy các cơ quan Nhà nước đều có quan điểm bảo vệ sản xuất trong nước, mà quan điểm đó là xuyên suốt thể hiện trong các Nghị quyết về phát triển kinh tế của Chính phủ. Hai mươi năm trước, khi chúng tôi bắt đầu làm nhà máy đã có sự ủng hộ của Nhà nước, mới có sự phát triển của ngành thép ngày hôm nay. Tôi tin rằng đường lối phát triển ngành công nghiệp quốc gia tự lực, tự cường là nhất quán”.

Trước nhiều câu hỏi của cổ đông, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã chia sẻ quan điểm về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ

Trước nhiều câu hỏi của cổ đông, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã chia sẻ quan điểm về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ

Không phải vì thuế mà bán được HRC giá cao

Ông Long phân tích, nhóm các công ty nhập khẩu HRC đưa ra rất nhiều lý luận và theo như họ nói là đúng hết, rằng không có việc bán phá giá thì sao phải sợ khởi xướng điều tra. Nếu Chính phủ điều tra không có việc bán phá giá thì sẽ không có việc áp thuế. Nhưng Hòa Phát cũng cho rằng, lo lắng của các doanh nghiệp như Hoa Sen và 19 doanh nghiệp khác phản đối khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC, là bình thường và chính đáng. Có thể các doanh nghiệp có liên quan khác như doanh nghiệp đóng tàu cũng lo nếu bị áp thuế giá HRC sẽ tăng lên. Nhưng thực tế, Hòa Phát và Formosa chỉ khởi kiện một vài công ty Trung Quốc, Ấn Độ bán phá giá.

Trong khi đó, các nước xung quanh như Indonesia, Malaysia chuẩn bị có nhà máy lớn đi vào hoạt động, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đều sản xuất HRC. Nếu có thuế mà doanh nghiệp trong nước bán giá cao thì hàng từ các nước khác sẽ lại tràn vào ngay. Không có chuyện có thuế chống bán giá làm giá HRC tăng cao làm giá đầu vào một loạt sản phẩm tăng lên. Vì thế, trước mọi vấn đề cứ bình tĩnh đợi các cơ quan quản lý nhà nước xem xét phán xét công bằng. Trong trường hợp có áp thuế chống bán phá giá thì ngành nhập khẩu nguyên vật liệu HRC chưa biết chừng lại ổn định hơn, giá sẽ tốt hơn.

Ông Long chia sẻ, ngay tại thị trường Trung Quốc các công ty lớn như Bảo Sơn, An Sơn cũng rất lo lắng không biết làm thế nào mà các công ty thương mại bán phá giá được, lấy được cả khách hàng của các công ty sản xuất minh bạch đàng hoàng. Ngày nào Hòa Phát cũng có đơn hàng chào giá thấp, nếu giá 550 USD/tấn thì chào 490 USD/tấn.

“Tôi tin rằng chân lý thì chỉ có một, chúng ta cứ chờ các cơ quan quản lý xem xét điều tra”, ông Long nói.

Tin bài liên quan