PAN: Cổ đông thắc mắc doanh thu tăng gấp đôi, lợi nhuận chỉ tăng 7%

PAN: Cổ đông thắc mắc doanh thu tăng gấp đôi, lợi nhuận chỉ tăng 7%

(ĐTCK) ĐHCĐ Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN) diễn ra ngày 21/4 đã chính thức thông kế hoạch 2018 với doanh thu hợp nhất đạt 8.786 tỷ đồng tăng 115,7%; trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt 538 tỷ đồng, chỉ tăng 7% so với thực hiện năm 2017. Nếu đạt kế hoạch năm 2018, PAN sẽ chia cổ tức tỷ lệ 10%.

Ngay khi mở đầu phần chất vấn, cổ đông đã thể hiện sự hoài nghi về kế hoạch doanh thu cao hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch HĐQT PAN cho biết, yếu tố ảnh hưởng quản trọng đến tăng trưởng của PAN là đối tác chiến lược. PAN đang trong giai đoạn đàm phán với đối tác chiến lược và mất khoảng 2 tháng nữa mới có thể công bố chính thức. Ông Hưng bật mí, đây là một trong các tập đoàn rất lớn.

Ngoài ra, cơ sở để trong năm 2018 PAN tự tin đạt mức doanh thu cao là các công ty con và công ty liên kết và các công ty sắp M&A vốn đã có nền tảng, cơ sở tốt.

Đối với vấn đề liên kết các công ty trong group, ông Hưng cho biết, PAN tập trung vào câu chuyện tăng trưởng đồng thời nhấn mạnh, thay vì cạnh tranh PAN đề cao việc hỗ trợ để cùng nhau phát triển.

Về kế hoạch SSI sẽ sở hữu 19,62% vốn của PAN, ông Hưng cho hay, ông không phân biệt người của SSI hay PAN và việc cử người sang PAN sắp tới là việc đương nhiên để hỗ trợ các công ty thành viên về luật sư, thị trường, marketing,… 

Thắc mắc của cổ đông về kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 7%, không tương xứng với doanh thu tăng 115,7%, HĐQT PAN cho biết, việc đầu tư giai đoạn ban đầu sẽ chưa cho mức lợi nhuận như mong muốn.

Năm 2018, PAN sẽ tiếp tục đầu tư và thực hiện các thương vụ M&A, nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu ở các công ty thành viên, phát triển Tập đoàn.

Cụ thể, mảng nông nghiệp (chiếm 37% doanh thu 2017) thông qua công ty con PAN Farm, sẽ tiếp tục phát triển lợi thế của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) về kinh doanh các bộ giống độc quyền và giống chuyển vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Còn với mảng thực phẩm (chiếm 63% doanh thu 2017) thông qua công ty con PAN Food, sẽ tiến hành các hoạt động với nhà đầu tư chiến lược nhằm mở rộng con đường xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ với các lĩnh vực kinh doanh chính như bánh kẹo, thủy sản, chế biến nước mắm, hạt điều….

FMC được kỳ vọng với chương trình nuôi tôm quy mô lớn sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng cho thị trường xuất khẩu. Trong khi đó BBC thì được tăng cường hoạt động marketing,  phát triển các sản phẩm mới.

PAN hiện đang trong giai đoạn đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm PAN đạt tiêu chuẩn quốc tế tại KCN Vĩnh Lộc II – Long An. Được biết, giai đoạn 1 của dự án tổng giá trị đầu tư đến thời điểm này là 430 tỷ đồng, với dây chuyền Sponge Cake đã cho ra dòng bánh Rosio.

Cổ đông cho rằng, với tư cách là người tiêu dùng, khó có thể tiếp cận sản phẩm của PAN. Ông Hưng cho biết, PAN đang tập trung ở thị trường nước ngoài, do giá thành chưa phù hợp với thị trường nội địa. Thực tế,  BBC đã là công ty con của PAN nên hoàn toàn là đại diện của PAN tại thị trường Việt.

Tin bài liên quan