Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Lễ công bố PCI 2022.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Lễ công bố PCI 2022.

PCI 2022: Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu, Bắc Giang bứt phá vươn lên vị trí số 2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Quảng Ninh là địa phương duy trì vị trí quán quân năm thứ 6 liên tiếp.

Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản và khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới. Khảo sát PCI có thể xem là cuộc khảo sát doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam hàng năm.

Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022 gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An, Lào Cai, Hậu Giang, Bến Tre, Hưng Yên, Lạng Sơn, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Định, Quảng Nam, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên, Trà Vinh, TP.HCM, Thái Bình, Đồng Nai, Ninh Thuận.

Top 30 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất PCI 2022.

Top 30 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất PCI 2022.

Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư.

Bắc Giang đứng thứ hai với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp nhằm lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng là Hải Phòng với điểm số 70,76 điểm. Hải Phòng đã thành lập và đưa vào vận hành tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố và tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án phát triển du lịch nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bà Rịa - Vũng Tàu góp mặt ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là 6/63 trong PCI 2011. Trong nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa mô hình kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao.

Đồng Tháp đứng ở vị trí thứ 5 với 69,98 điểm. Kể từ năm 2007 đến nay, Đồng Tháp có 16 năm liền nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Đồng Tháp có các mô hình như Ngày thứ Bảy chứng thực 4.0, Không gian hành chính phục vụ, Cà phê doanh nhân...

Phát biểu tại Lễ công PCI 2022, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen. Khi nhiều doanh nghiệp vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch COVID-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế - địa chính trị toàn cầu lại ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính – ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn đi cùng nỗi lo lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Hy vọng là từ khoá chủ đề cho PCI năm nay. “Khi mùa Đông ảm đạm đi qua thì mùa Xuân tới thường gắn với “hy vọng”, gắn với niềm tin về sự đổi mới, vươn lên. Vào mùa Xuân hàng năm, VCCI đều công bố kết quả PCI cấp tỉnh. Điểm số và thứ hạng là một nội dung nổi bật trong Báo cáo hàng năm nhưng đóng góp quan trọng nhất của PCI là cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thực trạng cũng như xu hướng của các khía cạnh điều hành kinh tế cấp tỉnh”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Bên cạnh bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố như thường lệ, báo cáo PCI 2022 còn đánh giá các chuyển động trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam như mức độ thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận thông tin, công tác thanh, kiểm tra, chi phí không chính thức, chất lượng thực thi quy định tại các địa phương và các khó khăn doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. Báo cáo PCI 2022 cũng phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều khía cạnh như thủ tục đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai, xuất nhập khẩu, chất lượng lao động…

Cũng trong Báo cáo PCI 2022, lần đầu tiên VCCI và USAID giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Tin bài liên quan