Petrolimex đang có 46 tổng công ty/công ty TNHH MTV do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ

Petrolimex đang có 46 tổng công ty/công ty TNHH MTV do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ

Petrolimex lãi gần 1.600 tỷ đồng kinh doanh xăng dầu trong nửa đầu năm

Trong nửa đầu năm, hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn tập đoàn mang lại cho Petrolimex 1.597 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương 56,9% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2016. Theo đó, trong quý II, công ty mẹ Petrolimex đạt doanh thu 20.079 tỷ đồng, chỉ bằng 2/3 kết quả cùng kỳ 2015 song vẫn thu về được 716 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 76%) và lợi nhuận sau thuế 651 tỷ đồng (tăng 60,5% so cùng kỳ).

Theo báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Petrolimex, tập đoàn này cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 245,4 tỷ đồng và lãi hợp nhất tăng 40,8 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015 chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính tăng và chi phí hoạt động tài chính giảm.

Cụ thể, trong quý II/2016, công ty mẹ nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên doanh, liên kết tăng so với cùng kỳ năm trước và lãi do chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ.

Bên cạnh đó, công ty mẹ được hoàn nhập dự phòng đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết vì các công ty này hoạt động có lãi so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước phải trích lập dự phòng).

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất của toàn tập đoàn, bao gồm các đơn vị thành viên hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm... là 58.718 tỷ đồng, song chỉ bằng 73,4% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của Petrolimex, doanh thu trong kỳ giảm do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 năm 2015 là 53,29 USD/thùng, trong khi bình quân năm 6 tháng 2016 là 39,52 USD/thùng (bằng 74,16% giá dầu bình quân 6 tháng 2015).

Trong nửa đầu năm, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex ghi nhận mức 2.802 tỷ đồng, đạt 70,6% kế hoạch và tăng 48% so với cùng kỳ, lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng ở mức 2.292 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn tập đoàn mang lại cho Petrolimex 1.597 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương 56,9% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù công tác điều hành xăng dầu của liên bộ Tài chính - Công Thương đã nỗ lực khắc phục các điểm bất cập, song theo nhận định của giới chuyên gia, tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm" so với giá thế giới vẫn còn tồn tại.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận rằng, mặc dù "giá xăng dầu đã tiệm cận với giá thế giới, tuy nhiên, tiệm cận không có nghĩa giá thế giới tăng bao nhiêu thì trong nước phải tăng bấy nhiêu và ngược lại, giá thế giảm bao nhiêu thì trong nước phải giảm theo từng đó".

Ngoài ra, sau vụ việc "lỗ hổng thuế, doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ", kể từ ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thì cách tính thuế mới chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn như Petrolimex khi đặt mua những lô hàng lớn thì họ luôn được áp dụng giá thấp hơn những lô hàng nhỏ, lẻ như các doanh nghiệp nhỏ.

Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh phương án áp dụng mức thuế bình quân gia quyền vào công thức giá cơ sở xăng dầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có cách nào "hay" hơn.

Trở lại với báo cáo tài chính của Petrolimex, trong tháng 5/2016, Petrolimex đã phát hành thành công cho đối tác chiến lược Nhật Bản JX NOE với tỷ lệ 9,08% vốn điều lệ, tương ứng mệnh giá 1.035 tỷ đồng, giá trị phát hành 39.017 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu được từ đợt phát hành cho cổ đông chiến lược là 4.039 tỷ đồng.

Ngoài ra, đến nay Petrolimex vẫn đang tiếp tục triển khai đề án sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank).

Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của Petrolimex cũng đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu ưu đãi hoàn lại với tỷ lệ 15%, và hoàn thành bổ sung vốn Nhà nước thiếu theo phương án quyết toán cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin bài liên quan