Phải bơm tiền thực mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động

(ĐTCK) Đây là một trong những nội dung trong báo cáo nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học quốc gia TP.HCM  (VNUHCM-IBT) công bố sáng nay 20/5 tại Hội thảo Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19 được tổ chức tại TP HCM.
Phải bơm tiền thực mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động

Nghiên cứu của VNUHCM-IBT cho rằng, gói kích thích hiện nay của Việt Nam có tác động ngắn hạn đối với doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính vì các chính sách chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của các doanh nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào của doanh nghiệp.

Có những doanh nghiệp đã phải ngưng hoạt động và có thể phải giải thể hoặc phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền. Chính vì vậy, chính sách tạo ra dòng tiền vào cho doanh nghiệp quan trọng hơn và mang lại hiệu quả hơn. Nói cách khác, theo VNUHCM-IBT, phải bơm tiền thực cho doanh ngiệp mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.

Ngoài ra, việc lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế cũng cần đặt trong tầm nhìn trung hạn với các giải pháp phi truyền thống, thậm chí khác biệt với các chính sách đã từng được áp dụng trong quá khứ vì bản chất tác động khủng hoảng do Covid-19 khác với các khủng hoảng trong quá khứ.

Theo đó, cần nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu lạm phát 4% của năm 2020 để giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa lớn cho việc nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất. Thậm chí, không chỉ dừng lại ở lãi suất liên ngành mà phải đảm bảo tác động làm giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay kể cả lãi suất của các món nợ cũ.

Giả thuyết, nếu tình hình Covid-19 kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong quý tới, thì cho vay cá nhân có thể giảm 20-25% và cho vay doanh nghiệp có thể giảm đến 30-40%. Theo các chuyên gia VNUHCM-IBT, trong thời gian tới các ngân hàng thương mại nên ưu tiên chú trọng tái cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn.

Ngoài ra, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và tốc độ giải ngân thời gian qua cho thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9-14% đã đặt ra cho năm 2020 có thể khó đạt được. Vì vậy, theo các chuyên gia, thay vì theo đuổi mục tiêu chung của tăng trưởng tín dụng cần đặt ra mục tiêu hỗ trợ các ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu, thương mại, thủy sản, nông nghiệp…

Các chuyên gia VNUHCM-IBT đề xuất các khuyến nghị về chính sách tài khóa ngắn hạn và trung hạn như cho phép hạch toán đầy đủ chi phí lương, nhanh chóng khơi thông khối tiền đầu tư công 700.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Bên cạnh đó, bố trí một khoản mục chi tái thiết kinh tế trong dự toán ngân sách thời kỳ 2021-2026 dưới hình thức “Chi đầu tư phát triển” phân loại doanh nghiệp hỗ trợ gắn với an sinh xã hội để đảm bảo người lao động không mất việc làm, giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bằng cách chuyển rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng, giúp khơi thông nguồn vốn đến doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ…

Được  biết, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa như đưa ra gói giảm thuế và tiền thuê đất với 180.000 tỷ đồng (tương đương 3% GDP; 11,7% thu ngân sách, 10,3% chi ngân sách và 88% mức thâm hụt ngân sách); chi 62.000 tỷ đồng tiền mặt cho an sinh xã hội ( giảm giá tiền điện  trị giá  11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng )…

Tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam hiện tương đương 4,3% GDP - xấp xỉ với các nền kinh tế mới nổi khác cũng như so với các quốc gia đang phát triển.

Tin bài liên quan