Ông Trương Đình Hòe

Ông Trương Đình Hòe

Phán quyết của Mỹ chưa ảnh hưởng đến DN Việt Nam

(ĐTCK-online) Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định sơ bộ về mức thuế chống bán phá giá giai đoạn 1/8/2008 tới 31/7/2009 - đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 6 (POR6) với một số DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam (trong đó có 3 công ty niêm yết). Để tìm hiểu tác động đến việc xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ, cũng như các bước mà DN Việt Nam đang làm để chứng minh tính bất hợp lý của phán quyết trên, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

>> Lợi nhuận xuất khẩu cá tra: Khó kép

Trong POR6, một số DN Việt Nam đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%, bị tăng lên tới 100 - 130%. Thưa ông, đâu là điểm mấu chốt dẫn đến phán quyết bất ngờ này?

Trong lần phán quyết lần này, DOC chọn số liệu từ Philippines thay thế cho Bangladesh. Đây là một phán quyết bất công với các DN Việt Nam, bởi lẽ Philippines không phải là quốc gia sản xuất công nghiệp cá tra. Nguồn số liệu để tính toán của DOC rất nghèo nàn, chỉ lấy từ báo cáo thu thập tại 36 ao nuôi cung cấp sản lượng khoảng 12.000 tấn cá, giá nguyên liệu tại Philippines cao hơn Việt Nam 2,5 lần, chi phí lao động và các chi phí khác cao hơn 40%. Đồng thời, Philippines là một đất nước không sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cá tra, nên không thể so sánh với Việt Nam - cường quốc sản xuất cá tra với sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 1,3 triệu tấn, trong đó khoảng 10% vào thị trường Mỹ.

Mức thuế trong phán quyết sơ bộ của DOC trong POR6 đã bị thay đổi đột ngột do các số liệu thay thế mà DOC dùng lần này. Theo VASEP, DOC cần xem xét, sử dụng số liệu của quốc gia thay thế cho phù hợp, nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng Mỹ cũng như nhà xuất khẩu Việt Nam. Chúng tôi khẳng định, DN Việt Nam không bán phá giá cá tra vào bất kỳ quốc gia nào.

 

Trước mắt, các DN có tên trong danh sách sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Đây chưa phải là phán quyết cuối cùng, vì vậy chưa ảnh hưởng đến các DN. Qua tuyên bố này, DOC chỉ mới công bố mức thuế dự kiến (theo quan điểm của họ), mà chưa có sự tham gia của các bên liên quan như nhà nhập khẩu và nhà sản xuất. Trong lịch sử chống bán phá giá, rất nhiều trường hợp đã thay đổi từ phán quyết sơ bộ đến phán quyết cuối cùng, mức thuế từ cao điều chỉnh xuống thấp và ngược lại. Nếu họ tiếp tục chọn Bangladesh như trước thì câu chuyện không có gì phải bàn cãi. Theo tôi, đây là quyết định vội vàng, thiếu cơ sở và các nguồn số liệu so sánh không đầy đủ, không loại trừ còn mang các yếu tố kỹ thuật khác.

 

Trong trường hợp xấu nhất, mức thuế trên trở thành phán quyết cuối cùng thì các DN xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ bị ảnh hưởng ra sao, thưa ông?

Nếu phán quyết sơ bộ là phán quyết cuối cùng thì các DN Việt Nam có tên trong danh sách cũng không phải là người đóng thuế, mà là nhà nhập khẩu. Thiệt hại lớn nhất với các DN cá tra Việt Nam chỉ là khả năng bán ra tiếp tục trên thị trường này. Trong POR6, DOC chỉ nêu tên một số DN, tuy nhiên không có nghĩa là các nhà sản xuất khác sẽ không bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong thời hạn của POR6 (1/8/2008 - 31/7/2009), nếu các DN không có lô hàng xuất khẩu vào Mỹ đương nhiên sẽ không bị đề nghị xem xét đến. Một số nhà sản xuất khác có xuất khẩu, nhưng phía nguyên đơn không yêu cầu, thì DN cũng không có tên trong danh sách lần này.

Nếu kết luận cuối cùng không thể đảo ngược thì việc xuất khẩu cá tra của các DN Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ, các nhà nhập khẩu không thể mạo hiểm tiếp tục nhập khẩu cá tra có xuất xứ từ Việt Nam, để rồi sau đó có thể phải nộp thuế chống bán phá giá lên tới 130%.

 

Theo ông, các DN Việt Nam xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ liệu có cơ hội đảo ngược tình thế?

Theo luật pháp Mỹ, phán quyết cuối cùng sẽ được DOC đưa ra 120 ngày sau khi có phán quyết sơ bộ, quy định cũng cho phép họ kéo dài thêm 90 ngày nếu cần thiết. Sau khi phán quyết sơ bộ được đưa ra, theo quan điểm của DOC, các bên liên quan sẽ có ý kiến phản hồi, cung cấp các tài liệu cần thiết để DOC tiếp tục xem xét, nghiên cứu. Như vậy, dự kiến vào tháng 3/2011, DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng. Trong khoảng thời gian đó, các DN Việt Nam vẫn xuất khẩu bình thường.

Hiện các DN Việt Nam đang tiến hành thu thập số liệu và cung cấp cho DOC những thông tin đảm bảo đúng trình tự về thời gian theo quy định của cơ quan này. Các thông tin mà DN Việt Nam cung cấp nhằm giúp DOC có đủ dữ liệu cần thiết để ra phán quyết hợp lý. Không loại trừ việc các DN Việt Nam sẽ sử dụng các hành động pháp lý do sự lựa chọn quốc gia thay thế của DOC không khách quan: các số liệu từ Philippines không đầy đủ, không có tính đại chúng, không phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành nên giá thành để so sánh.