"Phao cứu sinh" giữa mùa giông bão

"Phao cứu sinh" giữa mùa giông bão

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp được xem như là "phao cứu sinh" với nhiều nhà đầu tư giữa mùa giông bão.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đang diễn ra trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều thông tin tốt xấu đan xen và tâm lý nhà đầu tư còn lo ngại những biến động vĩ mô như tỷ giá tăng, lạm phát... Bởi vậy, thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được xem như là "phao cứu sinh" với nhiều nhà đầu tư giữa mùa giông bão.

Trong câu chuyện với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, Đầu tư Chứng khoán ghi nhận chung bối cảnh kinh doanh quý III có thêm những khó khăn mới, trong khi sức cầu tiêu dùng trong và ngoài nước đều còn yếu. Thực tế như vậy khiến không ít nhà đầu tư e ngại giải ngân vì phía trước là ám ảnh suy thoái kinh tế.

Dù vậy, không ít nhà đầu tư lại nhìn bao quát hơn vào chu kỳ kinh tế - chu kỳ thị trường chứng khoán, với đặc tính chu kỳ của cổ phiếu thường đi trước so với chu kỳ kinh tế khoảng 6 tháng, để có thêm dữ liệu cho quyết định giải ngân.

Thực tế cho thấy, năm 2022 nền kinh tế thuộc giai đoạn vùng đỉnh tăng trưởng thì thị trường chứng khoán vào downtrend; còn hiện nay, năm 2023 nền kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, khác biệt so với đầu năm trước.

Có thể thấy VN-Index đạt đỉnh ngắn hạn vào đầu tháng 9/2023 và đến hiện tại VN-Index đã giảm 11,85%. Theo nghiên cứu của William O’neil, thị trường con Bò xuất hiện, khi chỉ số có mức tăng hơn 20% tính từ đáy được thiết lập.

Các đợt điều chỉnh thông thường trong xu hướng tăng của thị trường là từ 10 - 15% và những đợt điều chỉnh như vậy không làm thay đổi toàn bộ xu hướng tăng.

Mức giảm điểm của VN-Index vừa qua vẫn phù hợp trong phạm vi 10 - 15% theo Oneil và không ít nhà đầu tư cho rằng, đợt điều chỉnh như hiện tại không làm thay đổi toàn bộ xu hướng tăng của thị trường đã được thiết lập vào tháng 12/2022.

Họ vẫn vững tin vào xu hướng của thị trường và khi giá cổ phiếu về mặt bằng hấp dẫn, nhà đầu tư đã bung dần tiền giải ngân.

Tất nhiên, dòng tiền còn đang dè dặt, phân hóa rõ ràng theo kết quả hoạt động của doanh nghiệp quý III cũng như dự báo cho quý cuối cùng của năm và chủ đề “Dòng tiền phân hóa” cũng được Đầu tư Chứng khoán lựa chọn làm Tiêu điểm của số báo này.

Một dữ kiện khác củng cố thêm cho niềm tin nhà đầu tư là sự quyết liệt của các cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường. Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có cuộc họp với các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… để bàn về việc triển khai các bước nâng hạng thị trường.

Giấc mơ nâng hạng đã được nói đến từ vài năm trước, mục tiêu 2025 cũng được đặt ra nhưng có lẽ đến thời điểm này, có sự vào cuộc rốt ráo của Chính phủ, kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có tên trong các thị trường mới nổi sẽ cao hơn nhiều.

Điều này có ý nghĩa quan trọng với thị trường chứng khoán trong việc hút các dòng vốn ngoại. Theo thống kê, hiện tại có 860 quỹ đầu tư trên thế giới với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi làm chỉ số tham chiếu.

Ước tính, trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 đến 8 tỷ USD.

Đáng chú ý, thống kê cho thấy thị trường chứng khoán các nước thường tăng mạnh và tăng vượt trội so với chỉ số chứng khoán toàn cầu vào giai đoạn 1-2 năm trước khi được nâng hạng.

Tin bài liên quan