Phỉ Thúy cát tường…

Phỉ Thúy cát tường…

(ĐTCK) Anh bạn tôi Tết này về thăm quê sau một thời gian dài bận bịu làm việc ở nước ngoài, muốn mua một món quà gì đó quý giá tặng bố mẹ. Trong rất nhiều loại đá quý, đá bán quý, cuối cùng anh chọn ngọc phỉ thúy…

Tương truyền, thời cổ đại, phỉ thúy vốn là một loài chim xinh đẹp sống ở phương Nam có bộ lông rực rỡ sắc màu lam, lục, đỏ, nâu… Con đực lông màu đỏ, gọi là “phỉ”, con cái lông màu xanh, gọi là “thúy”. Về sau, cái tên “phỉ thúy” trở thành tên một loại ngọc thạch quý hiếm có màu sắc tao nhã, chất đá tinh tế, hàm chứa những đức tính cao đẹp mà mọi người luôn theo đuổi: cao thượng, chân thành, trí tuệ, nhân ái.

Phỉ Thúy cát tường… ảnh 1

Người ta tin rằng, các loại ngọc nói chung và phỉ thúy nói riêng đều có “sinh mệnh”. Phỉ thúy có những đường vân xanh biếc tự nhiên, người càng đeo lâu, những đốm vân xanh càng to hơn, càng đẹp hơn, ánh sáng cũng càng ôn nhuận hơn.

Chính vì thế, đeo ngọc trên người có thể tăng cường sức khỏe, trị bệnh giải độc, khiến người đeo trẻ lâu, mang lại phúc lành, xua đuổi quỷ dữ… Người dưỡng ngọc, ngọc dưỡng người là vậy. Ngọc đã qua xử lý, nhuộm màu, ngâm trong axit và kiềm mạnh gọi là ngọc chết, tuy cải thiện được độ trong và màu sắc của ngọc, nhưng kết cấu khoáng vật vốn có đã bị phá vỡ.

Phỉ Thúy cát tường… ảnh 2

Tương truyền, Từ Hy Thái hậu khi đã trên 60 tuổi nhưng vẫn giữ được nhan sắc tươi trẻ, uy nghiêm là nhờ khả năng kỳ diệu từ ngọc. Sinh thời, Từ Hy rất yêu thích các loại châu báu trân bảo, đặc biệt là ngọc phỉ thúy. Thậm chí, ngay cả khi đã qua đời, nhan sắc của bà vẫn vẹn nguyên như đang say ngủ, vô số đá quý trân châu ngọc thạch và phỉ thúy được chất đống bên trong quan tài đã giữ được sự nguyên vẹn của thi hài.

Những viên ngọc phỉ thúy được chôn một thời gian dài dưới mồ sau khi đào lên có sự thay đổi khác thường, màu xanh lục trở nên sẫm hơn, xen lẫn vài sợi vân ửng đỏ như được nhuộm trong máu.

Người ta cho rằng, những viên ngọc đó đã thấm máu và tinh khí người chết, trở nên cực kỳ vô giá, cực kỳ linh thiêng. Dùng khoa học để lý giải, cổ ngọc sau khi chôn cùng người chết lại được nhuốm màu đỏ là do trong thành phần đất hoặc đồ bồi táng có chứa sắt bị oxi hóa ngấm vào chất ngọc.

Những đường vân đỏ sẫm hoặc đỏ nâu đó chính là sắc đỏ của sắt. Nhưng điều đó cũng không làm giảm được giá trị khổng lồ của những miếng ngọc “nhuốm máu” này.

Phỉ Thúy cát tường… ảnh 4

Các dấu vết của phỉ thúy đã xuất hiện trong thi từ sách cổ từ rất lâu, nhưng phỉ thúy chỉ thực sự thịnh hành vào thời Thanh. Vào thời kỳ này, việc khai thác phỉ thúy đã trở nên phổ biến, phỉ thúy thường có xuất xứ từ Myanmar, sau đó cống nạp cho triều đình nhà Thanh.

Theo “Quang Tự - Vân Nam thông chí” ghi lại, quốc vương Myanmar đã từng cống nạp hơn 20 lần, những đồ cống nạp là voi, đàn hương và nhiều loại đá quý.

Cuối thời Thanh, việc khai thác và sử dụng phỉ thúy phát triển đến đỉnh điểm, nhất là khi Từ Hy Thái hậu thời đó rất mê sưu tập trân bảo ngọc thạch quý hiếm, đặc biệt yêu thích phỉ thúy. Chỉ cần nhìn những chế phẩm từ phỉ thúy mà Từ Hy Thái hậu đã mang theo tuẫn táng khi chết là đủ chứng minh điều này. Những đồ cổ bằng phỉ thúy mà chúng ta thấy ngày nay, phần lớn đều là sản vật của thời kỳ này.

Phỉ Thúy cát tường… ảnh 5 

Trong hoạt động thương mại, phỉ thúy có nhiều tên gọi khác nhau. Những tên gọi này đến từ những nhận thức trực quan về hình tượng của phỉ thúy, rất sinh động, nhưng lại thiếu tính khoa học và hệ thống, dễ bị nhầm lẫn.

Đá nephrite có loại màu xanh lục, tên thường gọi là ngọc bích, thường hay bị nhầm lẫn với phỉ thúy (jadeite), nhưng thực chất, đó là hai loại đá hoàn toàn khác nhau. Khoáng vật học đã căn cứ vào độ cứng khác nhau của chúng để phân loại, gọi nephrite là ngọc mềm, còn phỉ thúy là ngọc cứng, do thành phần khoáng vật chủ yếu của phỉ thúy là NaAl(Si206).

Tính thúy là tiêu chí mà phỉ thúy vốn có, mà các ngọc thạch màu xanh khác không có. Thế nhưng đó không phải là thứ mà có thể nhìn thấy bằng mắt thường, do đó, rất khó để có thể xác định một sản phẩm được quảng cáo là “phỉ thúy” có thực sự là phỉ thúy hay không. Phỉ thúy có thể có nhiều màu sắc khác nhau, phụ thuộc vào hàm lượng tạp chất sắt chứa trong đá.

Màu đỏ và vàng do hàm lượng sắt cao tạo nên, khiến màu xanh của phỉ thúy tối và mờ hơn. Do đó, phỉ thúy có màu xanh lục càng thuần khiết, càng tươi sáng, càng nồng đậm và càng đều đặn thì phỉ thúy đó càng quý giá.

Phỉ Thúy cát tường… ảnh 6

Phỉ thúy thật cực kỳ quý hiếm. Phỉ thúy vốn là phần lõi của khối ngọc, rất nhỏ. Các món đồ bằng phỉ thúy thường rất bé, thường được làm đồ trang sức như hột xoàn, vòng, nhẫn… Những sản phẩm ngọc lớn thường chỉ có vài đốm nhỏ là phỉ thúy. Có những người có được phỉ thúy là dựa vào vận may. Những người mua ngọc thường nhìn vào vân của khối ngọc, tảng rêu bám trên bề mặt để dự đoán xem trong ngọc có phỉ thúy hay không. Chính vì vậy, có đôi khi phải bỏ ra cả đống tiền để mua một khối ngọc nhưng đến khi tách ra lại chẳng kiếm được chút phỉ thúy nào.

Phỉ thúy quý giá là thế, nhưng hiện nay trên thị trường lại bày bán nhan nhản những sản phẩm được quảng cáo là phỉ thúy, từ những món đồ trang sức nhỏ như vòng tay, dây chuyền, khuyên tai…, cho đến những vật phẩm phong thủy lớn hoặc thậm chí là những bức tượng trưng bày nặng cả chục, cả trăm cân. Các sản phẩm phỉ thúy có giá từ vài triệu, vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng.

Những sản phẩm phỉ thúy đó thực chất không phải phỉ thúy nguyên khối, mà chỉ là khối ngọc dính một chút phỉ thúy mà thôi. Nhưng những sản phẩm dính một chút phỉ thúy như vậy cũng đã là rất quý giá, hầu hết các sản phẩm được quảng cáo trên thị trường Việt Nam hiện nay đều là ngọc đã qua chế tác nhuộm màu, và cùng với đó, rất nhiều sản phẩm giả, không biết đâu mà lần. Những món trang sức rẻ tiền trông có vẻ giống phỉ thúy thì chắc chắn hoàn toàn là bột đá ép hoặc nhựa mà thôi.

Bởi vậy, nếu may mắn có thể sở hữu một sản phẩm ngọc phỉ thúy thật, thì đó sẽ là một món quà cực kỳ quý giá để bày tỏ tình cảm kính trọng của mình với bậc trưởng bối trong nhà.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan