Phiên giao dịch chiều 27/3: VND hãm đà rơi, nhóm bất động sản hút tiền

Phiên giao dịch chiều 27/3: VND hãm đà rơi, nhóm bất động sản hút tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù VN-Index biến động trong biên độ hẹp và thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp so với các phiên trước, nhưng thị trường hôm nay cũng có những điểm nhấn đáng chú ý.

Sau phiên sụt giảm đầu tuần, thị trường đã có 2 phiên hồi phục trở lại hôm qua và hôm nay (27/3), nhưng thanh khoản lại đứng ở mức thấp. Trong phiên hôm nay, diễn biến tỏ ra cân bằng của lực cung và lực cầu khiến VN-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp và số mã tăng giảm cũng không chênh lệch nhiều.

Nếu như trong phiên sáng, thị trường mở cửa với sắc xanh, sau đó quay đầu giảm dần và đóng cửa dưới tham chiếu, thì trong phiên chiều lại ngược lại, thị trường mở cửa nới rộng đà giảm, nhưng sau đó hồi phục dần và đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, VN-Index tăng 0,88 điểm (+0,07%), lên 1.283,09 điểm với 244 mã tăng và 209 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 919,3 triệu đơn vị, giá trị 24.060,7 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua về khối lượng, nhưng tăng gần 10% về giá trị cho thấy hôm nay tiền chảy vào các mã bluechip có thị giá lớn. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 116 triệu đơn vị, giá trị 4.557 tỷ đồng, với đóng góp chính trong giao dịch thỏa thuận 39,6 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 2.753,3 tỷ đồng.

Dù VN-Index lình xình trong biên độ hẹp, nhưng thị trường vẫn có những điểm nhấn đáng chú ý.

Đầu tiên là QCG vẫn duy trì sức nóng dù chịu áp lực chốt lời mạnh sau 2 phiên tăng kịch trần liên tiếp đầu tuần. Trong phiên sáng, áp lực chốt lời khiến QCG có thời điểm đã lùi về ngưỡng 12.100 đồng, nhưng lực cầu sau đó hoạt động mạnh đã kéo mã này trở lại mức trần 12.450 đồng.

Trong phiên chiều, lực cầu áp đảo hoàn toàn, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu không bán ra nhiều, khiến giao dịch diễn ra chậm hơn nhiều so với phiên sáng và mức giá kịch trần được duy trì hết phiên với thanh khoản 3,34 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong phiên chiều là VSC khi lình xình trong suốt phiên sáng và 30 phút đầu của phiên chiều, nhưng bất ngờ nhảy vọt khi lực cầu lớn được tung vào, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo VSC lên thẳng mức giá trần 23.550 đồng với thanh khoản xác lập mức kỷ lục 13,38 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Ngoài 2 mã không có lực bán vẫn duy trì sắc tím từ đầu phiên sáng là VCF và SVD, trong phiên chiều còn chứng kiến thêm các sắc tím khác, đáng chú ý là tại CSV với 1,92 triệu đơn vị được khớp và VRC ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau chuỗi 3 phiên điều chỉnh trước đó.

Trong khi đó, VND sau 2 phiên bị bán mạnh do thông tin liên quan đến hệ thống bị tấn công và bị 2 sở ngắt giao dịch, hôm nay đã hãm đà rơi khi Công ty cho biết đã cơ bản khắc phục xong và có thể giao dịch trở lại vào ngày mai 28/3. Hôm nay, nhà đầu tư mở tài khoản tại VND cũng có thể vào để kiểm tra tài khoản của mình.

Chốt phiên, VND chỉ còn giảm 0,64% xuống 23.300 đồng, có lúc đã hồi phục lên 23.800 đồng, tăng 1,5% so với tham chiếu. Tổng khối lượng khớp 37 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên sàn HOSE sau NVL. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn không đủ tin tưởng nên tiếp tục bán ròng VND hôm nay, dù khối lượng bán ròng chỉ chưa tới 1 triệu đơn vị, thấp hơn rất nhiều 2 phiên trước đó.

Ngoài VND, khối công ty chứng khoán còn chứng kiến sắc đỏ tại một số mã khác như TVB, VDS, VCI, FTS, CTS và APG, trong khi có 6 sắc xanh tại SSI, HCM, AGR, ORS, VIX và BSI, nhưng mức tăng giảm của các mã trong khối này không lớn

Trong khi đó, đáng chú ý hôm nay là khối bất động sản và thép khi có sức hút lớn với dòng tiền. Trong Top 10 mã thanh khoản hôm nay có 4 mã liên quan tới bất động sản, 3 mã chứng khoán, 2 mã thép và 2 mã ngân hàng. Trong đó, đứng đầu thanh khoản là NVL với 43,78 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,4% lên 18.100 đồng. DIG tăng 2,5% lên 32.750 đồng, khớp 22,46 triệu đơn vị, DXG tăng 2,27% lên 20.300 đồng, khớp 21,34 triệu đơn vị.

Về giá, ngoài 2 sắc tím tại QCG và VRC và 3 sắc xanh của 3 mã có thanh khoản tốt trên, nhóm bất động sản, xây dựng còn có một số mã tăng tốt khác là HBC tăng 4,12% lên 9.090 đồng, VPH tăng 3,41% lên 8.500 đồng, NHA tăng 3% lên 22.300 đồng…

Trong khi đó, nhóm ngân hàng chỉ có 5 sắc xanh nhạt, trong khi sắc đỏ nhiều gấp 2 lần, nhưng mức giảm cũng không lớn.

Trong nhóm VN30, mã tăng tốt nhất hôm nay là MWG tăng 4,21% lên 50.700 đồng, khớp 12,74 triệu đơn vị. MSN hạ nhiệt bớt so với phiên sáng khi chỉ còn tăng 1,89% lên 75.400 đồng, khớp 6,07 triệu đơn vị.

Sàn HNX sau khi mở cửa phiên chiều với sắc đỏ nhạt cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng, nhưng mức tăng lúc chốt phiên cũng không lớn.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,34%), lên 242,85 điểm với 103 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84,6 triệu đơn vị, giá trị 1.799,5 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,7 triệu đơn vị, giá trị 128,4 tỷ đồng.

SHS và CEO là 2 mã có thanh khoản tốt nhất hôm nay và vượt trội so với phần còn lại, trong đó SHS khớp 16,85 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,49% lên 20.500 đồng, còn CEO đứng tham chiếu 23.600 đồng, khớp 13,28 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản từ hơn 2 triệu đơn vị đến hơn 6 triệu đơn vị là PVS, TNG, HUT, TIG, PVS và MBS, đều đóng cửa với sắc xanh nhạt, ngoại trừ TIG tăng 2,21% và TNG tăng 4,11%.

Trong khi đó, dù rất nỗ lực, nhưng UPCoM lại không có được may mắn như 2 sàn niêm yết khi không thể kịp trở lại tham chiếu lúc đóng cửa.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,03%), xuống 91,18 điểm với 178 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,1 triệu đơn vị, giá trị 758,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11 triệu đơn vị, giá trị 264 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 4,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,52% lên 19.400 đồng. Tiếp đến là VGI khớp 3,89 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 9,59% lên 40.000 đồng. DDV có thanh khoản tiếp theo với 3,52 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3,61% xuống 16.000 đồng. Trong khi đó, HHG lại tăng kịch trần lên 2.300 đồng, khớp 3,37 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ tương đương với thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2404 tăng 3 điểm (+0,23%), lên 1.288 điểm với 194.509 hợp đồng được giao dịch, giá trị 24.990 tỷ đồng; khối lượng mở 53.104 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 4 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã do SSI phát hành, mã còn lại do ACBS phát hành, là các chứng quyền của MWG, MSN, HPG và TCB, mức biến động giá của các chứng quyền này khi đóng cửa không lớn.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 6,07 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 3.450,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch lớn nhất là IDS12101 với 2,65 triệu đơn vị, giá trị 266,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về giá trị, thì ACB12320 của ACB là mã có giá trị giao dịch lớn nhất với 1.328 tỷ đồng, dù chỉ có 12.500 đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến cũng là mã mã trái phiếu khác của ACB là ACB12302 với 726,4 tỷ đồng với 7.000 trái phiếu.

Tin bài liên quan