Phiên giao dịch chiều 5/6: Tranh mua cổ phiếu đầu cơ

Phiên giao dịch chiều 5/6: Tranh mua cổ phiếu đầu cơ

(ĐTCK) Diễn biến trên sàn HOSE không khác nhiều so với phiên sáng, ngoại trừ sự đột biến đến từ những mã có tính đầu cơ cao với việc nhiều nhà đầu tư  tranh mua nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là FLC.

Trong những phút cuối phiên sáng, lực mua có dấu hiện tăng mạnh, giúp 2 sàn hồi phục, trong đó HNX-Index đã chuyển sắc xanh. Bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua tiếp tục được duy trì tốt, giúp VN-Index nhích dần và vượt qua tham chiếu, trong khi HNX-Index nới rộng đà tăng. Số mã tăng giá đã chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Tuy nhiên, trái ngược với các phiên trước, khi thị trường bước vào những phút giao dịch cuối, các mã lớn trên HOSE yếu đà và trở thành vật cản, kéo chỉ số đi xuống và đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi HNX-Index vẫn nhẹ nhàng tiến bước.

Kết thúc phiên giao dịch chiều, VN-Index giảm 2,36 điểm (-0,43%), xuống 551,10 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,22 triệu đơn vị, giá trị 815 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 118,4 tỷ đồng, đáng chú ý là giao dịch thỏa thuận 3,75 triệu cổ phiếu FCM, giá trị 45 tỷ đồng. VN30-Index giảm 2,23 điểm (-0,37%), xuống 601,6 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lại tăng mạnh 0,59 điểm (+0,81%), lên 74,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,7 triệu đơn vị, giá trị 297,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể. HNX30-Index tăng 1,94 điểm (+1,33%), lên 148,22 điểm.

GAS, MSN, VCB đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày chính là nguyên nhân khiến VN-Index không thể tăng điểm, dù số mã tăng giá nhiều hơn hẳn số mã giảm giá. Cụ thể, GAS giảm 1.000 đồng (-1,02%), xuống 97.500 đồng, MSN giảm 2.000 đồng (-2,02%), xuống 97.000 đồng, VCB giảm 600 đồng (-2,11%), xuống 27.900 đồng. Trong khi đó, VIC vẫn duy trì được mức tăng nhẹ 500 đồng.

Trong khi nhóm cổ phiếu lớn yếu đà, thì nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền lại có đột biến nhờ dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, trong đó, đáng chú ý nhất là FLC.

Giao dịch dưới mức tham chiếu trong suốt phiên sáng và chỉ lấy lại được mốc tham chiếu vào cuối phiên, nhưng sang phiên giao dịch chiều, lực mua bất ngờ chảy mạnh, hấp thụ dần các lệnh dư bán và kéo thẳng FLC lên mức giá trần 10.500 đồng khi đóng cửa phiên với hơn 13,4 triệu đơn vị được khớp.

ĐHCĐ thường niên tổ chức ngày hôm qua, cổ đông FLC thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 3.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, cổ tức 10%. FLC dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên gấp đôi, đồng thời phát hành riêng lẻ 600 tỷ đồng vốn cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, thông tin đã được công bố hôm qua và không tác động đến giá cổ phiều FLC, thậm chí mã này còn giảm mạnh 5,7% có lúc xuống kịch sàn trong ngày giao dịch 4/6. Vì vậy, việc bên mua ồ ạt tranh mua FLC trở lại trong phiên chiều nay cũng là một bất ngờ. Với việc đóng cửa ở mức giá trần, những nhà đầu tư lướt sóng FLC trong phiên nếu may mắn đã có thể kiếm lời hơn 10,5%.

Ngoài FLC, HQC, ITA cũng có giao dịch sôi động hơn hẳn trong phiên chiều, trong đó, HQC được khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, đứng ở mức 6.500 đồng, tăng nhẹ 100 đồng, ITA cũng có mức tăng tối thiểu với lượng khớp hơn 2,34 triệu đơn vị. Cả 2 mã này đều được khối ngoại mua vào khá mạnh với khối lượng lần lượt 300.000 đơn vị và 550.000 đơn vị.

Ngoài ra, các mã chứng khoán cũng có sự đảo chiều ngoạn mục trong phiên hôm nay khi vọt tăng mạnh trong phiên chiều. Trong đó, HCM tăng 900 đồng (+3,09%), lên 30.000 đồng khi chốt phiên, SSI tăng 500 đồng (+2,19%), lên 23.300 đồng với 2,54 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, lực mua giá cao cũng gia tăng trên HNX, giúp nhiều mã trên sàn này nới rộng đà tăng. Trong đó, PVX tăng 300 đồng (+6,12%), lên 5.200 đồng với 5,7 triệu đơn vị, KLS tăng 300 đồng (+2,89%), lên 10.700 đồng với 3,86 triệu đơn vị. SCR là mã có biên độ giao động lớn trong phiên trên HNX với biên độ gần 14,3% khi có thời điểm giảm xuống mức sàn 7.200 đồng, nhưng có lúc lên mức giá cao nhất ngày 8.200 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 8.100 đồng với hơn 3 triệu đơn vị được khớp.

Nhà đầu tư nước ngoài giảm lượng mua ròng trên HOSE với khối lượng mua ròng 639.000 đơn vị. Trong khi vẫn mua ròng gần 800.000 đơn vị trên HNX.

Tin bài liên quan