Phiên giao dịch sáng 16/12: Lực bán tháo chưa chấm dứt

Phiên giao dịch sáng 16/12: Lực bán tháo chưa chấm dứt

(ĐTCK) Vẫn là lực bán tháo xuất hiện ở nhóm dầu khí, gây  hoảng loạn cho thị trường và khiến cả 2 sàn giảm mạnh trong phiên sáng nay.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, giá dầu một lần nữa lại ám ảnh giới đầu tư. Trong phiên giao dịch tối qua, chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm giá do động thái bán tháo cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi. Bên cạnh đó, việc Ả rập Saudi, nước sản xuất dầu lớn của OPEC tuyên bố không quan tâm tới việc giá dầu xuống 50 USD/thùng hay 40 USD/thùng, tổ chức này vẫn sẽ không cắt giảm sản lượng, mà sẽ để thị trường tự điều chỉnh.

Với tuyên bố này, cùng với dữ liệu kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, ngoại trừ Mỹ, giá dầu thô được dự báo sẽ tiếp tục giảm tiếp trong thời gian tới và chứng khoán sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Trở lại với chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn được xem là “tội đồ” khiến thị trường giảm điểm trong tuần qua và phiên đầu tuần này. Ngoài lý do giá dầu thô thế giới giảm, việc nhóm dầu khí tăng mạnh trước đó cũng là lý do khiến nhóm này bị bán mạnh thời gian qua. Hiện GAS, PVD đã giảm về mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 1.

Ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí, một lý do nữa khiến thị trường giảm điểm với thanh khoản sụt giảm mạnh thời gian qua chính là ảnh hưởng từ Thông tư 36 với việc khống chế tín dụng cho đầu tư chứng khoán từ các ngân hàng ở mức 5% vốn điều lệ so với mức 20% như quy định trước. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1/2/2015. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây mới chính là lý do khiến nhà đầu tư thận trọng, làm thị trường giảm điểm và thanh khoản thấp gần đây.

Trong phiên sáng nay, tâm lý nhà đầu tư vẫn không có thêm chuyển biến gì, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị bán mạnh sau thông tin giá dầu thô lùi về mức thấp nhất 5 năm rưỡi.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,6 điểm (-0,47%), xuống 545,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 2,74 triệu đơn vị, giá trị 30,8 tỷ đồng. HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay và sau 90 phút giao dịch, cả 2 chỉ số chưa một lần có được sắc xanh.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục trên HOSE, trong khi bên nắm giữ tiền mặt vẫn giữ thái độ thận trọng, thì bên bán bắt đầu thể hiện sự mất kiên nhẫn, nhất là ở các mã dầu khí. Dù được khối ngoại mua vào khá lớn, chiếm hơn 32% tổng khối lượng khớp, nhưng PVD vẫn đang nới rộng đà giảm và hiện đang lùi dần về mức giá sàn, tương tự, GAS bị kéo về mức giá sàn.

Nỗ lực bắt đáy sau đó cũng chỉ giúp 2 mã này không đóng cửa phiên với sắc xanh mắt mèo, nhưng không đủ giúp VN-Index tránh khỏi phiên giảm sâu. Tương tự, lực cầu bắt đáy yếu ớt cũng chỉ đủ giúp HNX-Index hãm đà rơi chỉ được một lúc trước khi quay lại gần sát mốc 83 điểm khi đóng cửa phiên sáng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 9,02 điểm (-1,65%), xuống 538,91 điểm với 183 mã giảm, trong khi chỉ có 33 mã tăng giá. VN30-Index dù giảm ít hơn, nhưng cũng mất 7,04 điểm (-1,17%), xuống 596,88 điểm.

Lực bắt đáy giúp thanh khoản phiên sáng nay tăng hơn so với phiên sáng đầu tuần khi tổng lượng khớp đạt 55,1 triệu đơn vị, giá trị 937,61 tỷ đồng và chủ yếu là giao dịch khớp lệnh. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 27,97 tỷ đồng.

Đà bán tháo nhóm cổ phiếu dầu khí cũng khiến HNX-Index chìm trong sắc đỏ khi chốt phiên giảm 1,18 điểm (-1,41%), xuống 83,06 điểm. Số mã tăng giá trên HNX cũng tương đương HOSE với 34 mã, trong khi số mã giảm là 131 mã. HNX30-Index giảm mạnh hơn với 3,17 điểm (-1,90%), xuống 163,23 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HNX giảm mạnh so với sáng qua do không có sự đột biến trong giao dịch thỏa thuận. Chốt phiên sáng, HNX có 28,38 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 398 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 1,32 triệu đơn vị, giá trị 17,87 tỷ đồng.

Lực bắt đáy yếu ớt chỉ giúp PVD và GAS tránh khỏi phiên giảm sàn, chứ không giúp ích nhiều cho 2 mã dầu khí lớn này. Đóng cửa, GAS giảm 4.000 đồng (-5,80%), xuống 65.000 đồng với 611.070 đơn vị được khớp, trong đó, khối ngoại mua vào 39.800 đơn vị. PVD giảm 3.000 đồng (-4,92%), xuống 58.000 đồng với 962.280 đơn vị được khớp, trong đó, khối ngoại mua vào 384.200 đơn vị.

PVT sau phiên tăng tốt hôm qua nhờ thông tin được VNM ETF tăng tỷ trọng trong đợt review lần này cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt, đóng cửa giảm 100 đồng dù vẫn được khối ngoại mua vào khá mạnh. Tương tự, SSI cũng đang giảm 300 đồng dù được cả 2 quỹ ETF ngoại thêm vào danh mục trong đợt tái cơ cấu lần này. Trong các mã lớn, chỉ còn xuất hiện lác đác vài điểm xanh nhạt tại VCB, EIB.

Trong khi đó, cũng như các con sóng gần đây, sóng khoáng sản nhanh trong tan biến ngay khi mới hình thành. Hiện chỉ còn KSS là còn duy trì sắc tím với dư mua giá trần hơn 0,4 triệu đơn vị, được khớp tới hơn 2,96 triệu đơn vị, còn lại đều đã quay đầu giảm giá.

Trong các mã có tính đầu cơ cao, giao dịch sáng nay cũng không mấy sôi động và đều chịu sức ép giảm giá lớn. Trong đó, FLC được khớp 4,42 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 200 đồng, xuống 10.700 đồng, VHG giảm nhẹ 100 đồng với lượng khớp hơn 1,9 triệu đơn vị. ITA cũng giảm 100 đồng với tổng khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 3,7 triệu đơn vị trên HOSE, với các mã được mua vào nhiều nhất là IJC, BMI, PVT, PVD…

Trên HNX, sắc đỏ bao trùm gần như toàn bộ các mã đáng chú ý như KLF, FIT, VCG, ITQ, nhóm chứng khoán và dĩ nhiên cả nhóm dầu khí, trong đó, KLF giảm 200 đồng, xuống 12.900 đồng với 3,63 triệu đơn vị được khớp, trong khi ITQ đang còn dư bán giá sàn.

Trong khi đó, HNM lại bất ngờ tăng trần, lên 14.400 đồng và còn dư mua giá trần. Tuy nhiên, cả lực cung và cầu ở mã này đều không lớn. Trong 33 mã tăng khác, chủ yếu là mức tăng nhẹ, hoặc là tăng ảo, không phải ánh đúng quan hệ cung cầu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí, PVS giảm 1.500 đồng (-5,88%), xuống mức thấp nhất phiên 24.000 đồng. PVC giảm 900 đồng (-3,64%), xuống 23.800 đồng…

Với diễn biến như hiện nay, khó có thể kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại trong phiên chiều, trừ khi có điều thần kỳ, kéo nhóm dầu khí quay đầu tăng trở lại.

Tin bài liên quan