Phiên giao dịch sáng 23/8: Phút ngẫu hứng qua nhanh, nhiều nhà đầu tư đua mua đầu phiên cảm thấy lo âu

Phiên giao dịch sáng 23/8: Phút ngẫu hứng qua nhanh, nhiều nhà đầu tư đua mua đầu phiên cảm thấy lo âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên đảo chiều ngoạn mục chiều qua (22/8), cùng với việc cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq nhảy vọt sau 2 phiên điều chỉnh giúp thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên sáng nay (23/8) đầy hứng khởi. Tuy nhiên, phút ngẫu hứng trôi qua khá nhanh.

Trong phiên chiều qua, thị trường có lúc giảm hơn 30 điểm, xuyên thủng ngưỡng 1.150 điểm. Khi mọi người đều nghĩ tới kịch bản xấu với thêm phiên lao dốc nữa sau phiên rũ bỏ ngày 18/8, nhất là lượng hàng từ phiên 18/8 được giải phóng, thì bất ngờ đã xảy ra. Dù lực cầu bắt đáy không quá lớn, nhưng do những người mua vào trong phiên 18/8 giữ hàng, không muốn vội vã bán ra đã giúp thị trường lấy lại sự bình tĩnh, các mã dần hồi trở lại và kéo VN-Index nhảy vọt lên trên tham chiếu, đóng cửa với sắc xanh nhạt và tạo cây nến ngày rút chân. Tuy nhiên, do cả bên bán và bên mua đều thận trọng, nên thanh khoản chỉ ở mức trung bình.

Phiên hồi phục ngoạn mục này đã giúp tâm lý nhà đầu tư phần nào yên tâm hơn sau khi trải qua phiên giao dịch hoảng loạn cuối tuần trước. Chưa dừng lại ở đó, trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, sau 2 phiên điều chỉnh mạnh, lùi về mức giá 15 USD/cổ phiếu, cổ phiếu VFS đã có phiên bật lại ngoạn mục, với mức tăng hơn 108% khi đóng cửa trên sàn Nasdaq (Mỹ), trở lại ngưỡng 36,72 USD/cổ phiếu, có lúc lên trên ngưỡng 42 USD/cổ phiếu. Diễn biến này càng tạo thêm sự tự tin cho nhà đầu tư về phiên hồi phục mạnh của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.

Đúng như kỳ vọng, với việc VFS có phiên nhảy vọt đã giúp VIC được săn đón ngay khi mở cửa phiên sáng nay, lên mức kịch trần 69.000 đồng/cổ phiếu, qua đó góp phần kéo VN-Index có mức tăng hơn 10 điểm khi mở cửa phiên sáng nay.

Tuy nhiên, phút ngẫu hứng qua đi khá nhanh khi nhà đầu tư trở nên bình tĩnh hơn và lệnh đua mua đuổi đã không xuất hiện, khiến nhịp tăng bị chặn lại và VN-Index quay đầu lùi dần về gần điểm xuất phát.

Trên bảng điện tử, dù sắc xanh đang chiếm thế áp đảo, gấp hơn 2 lần sắc đỏ, nhưng trong nhóm VN30, số mã giảm lại nhiều hơn số tăng giá, khiến VN-Index không thể đi xa hơn. Lực cầu cũng thận trọng nên giao dịch diễn ra không quá sôi động.

Mã có thanh khoản tốt nhất đang là VIC với gần 7,4 triệu đơn vị, nhưng sắc tím đã không giữ được khi lực cung ra khá lớn, hiện VIC chỉ còn mức tăng hơn 4%, đang giao dịch quanh 67.300 đồng/cổ phiếu.

Với các nhóm ngành dẫn dắt, dòng tiền đang tập trung sự ưu tiên vào nhóm chứng khoán và bất động sản, nhưng áp lực bán ở nhóm chứng khoán đang thắng thế khiến nhóm này đang giảm nhẹ, trong khi nhóm bất động sản lại có mức tăng khá tốt, dù không quá mạnh. Trong Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất ngoài VIC, còn lại là 2 mã chứng khoán (SSI và VND), 2 mã bất động sản (DIG và DXG). Ở dưới tiếp theo là HAG, NVL, STB, VIX…

Lực bán mỗi lúc một tăng, dù không quá ồ ạt - vì nhà đầu tư sợ hiệu ứng domino, cơn sóng lớn sẽ cuốn mình trôi theo, trong khi bên bán tỏ ra rất thận trọng trong giai đoạn được xem là nhạy cảm của thị trường này, khiến sắc đỏ nhiều dần lên và chiếm ưu thế so với sắc xanh trên bảng điện tử. Dù nhận được sự hỗ trợ của một số mã trụ như VIC, GVR, TCB, GAS, SAB, MSN, nhưng không đủ để đối chọi lại với phần còn lại, khiến VN-Index không thể trụ vững, đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ. Tuy nhiên, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn ở đường MA50 vẫn giữ được.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,35 điểm (-0,37%), xuống 1.176,14 điểm với 173 mã tăng, trong khi có 247 mã giảm, nhiều gấp đôi so với nửa đầu phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 342,7 triệu đơn vị, giá trị 7.696,5 tỷ đồng, giảm 17,6% về khối lượng và 7,8% về giá trị so với phiên sáng qua, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28 triệu đơn vị, giá trị 504,8 tỷ đồng, nhiều hơn so với giao dịch thỏa thuận của sáng qua.

Áp lực bán gia tăng khiến đà tăng của VIC hạ nhiệt thêm và chốt phiên chỉ còn tăng 3,3%, đứng ở mức 66.600 đồng, thanh khoản 11,72 triệu đơn vị, xuống vị trí thứ 4 về thanh khoản. Trong khi đó, giao dịch của STB lại sôi động hơn hẳn, giúp mã này vượt lên dẫn đầu thanh khoản với 21,44 triệu đơn vị, nhưng lực bán chốt lời thắng thế, nên STB đóng cửa giảm mạnh 3,6% xuống 31.000 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ STB, còn có VCB giảm khá mạnh 2% xuống 86.600 đồng, là nguyên nhân chính khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. VCB lấy đi của VN-Index 2,5 điểm, trong khi VIC chỉ còn đóng góp 2 điểm.

Bên cạnh đó, còn có SSB giảm 1,4% xuống 27.800 đồng, cùng 9 mã khác cũng đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm nhẹ; và 3 mã đứng giá tham chiếu. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ TCB tăng 1,5% lên 33.600 đồng, chỉ có thêm OCB có sắc xanh nhạt, tăng 0,3% lên 18.400 đồng.

Nhóm chứng khoán cũng tương tự, chỉ có 3 sắc xanh tại các mã nhỏ ORS, APG và TVS, cùng HCM, TVB đứng giá, còn lại đều giảm.

Tuy nhiên, nhóm này thu hút dòng tiền khá lớn khi trong top 10 mã thanh khoản nhất sàn sáng nay có tới 3 mã của khối công ty chứng khoán là SSI với 14,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,1% xuống 30.350 đồng; VND khớp 10 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,7% xuống 20.850 đồng; VIX khớp 8,83 triệu đơn vị, đóng cửa cũng giảm 1,2% xuống 16.800 đồng.

Trong khi đó, nhóm bất động sản lại có diễn biến tích cực hơn hẳn khi sắc xanh chiếm ưu thế. Đáng chú ý, nhóm này có 3 mã nằm trong Top 10 thanh khoản trên sàn sáng nay và đều đóng cửa tăng giá. Trong đó, NVL tăng 2,2% lên 18.900 đồng, khớp 17,39 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau STB; DXG tăng 3,3% lên 66.600 đồng, khớp 11,72 triệu đơn vị; DIG tăng 1,6% lên 25.800 đồng, khớp 11,24 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, có thể kể đến PDR tăng 1,2% lên 20.950 đồng, khớp 5,64 triệu đơn vị.

HNX cũng có diễn biến tương tự khi quay đầu đảo chiều trong ít phút cuối phiên và đóng cửa với sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,22%), xuống 239,12 điểm với 62 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,6 triệu đơn vị, giá trị 563,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay sàn HNX chỉ có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ duy nhất APS là đóng cửa với sắc xanh nhạt, tăng 1,1% lên 9.600 đồng (khớp 1,24 triệu đơn vị), cùng HUT đứng giá tham chiếu 24.400 đồng (khớp 1,12 triệu đơn vị), còn lại đều giảm. Mã có thanh khoản tốt nhất vẫn là SHS với 6,22 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,6% xuống 16.300 đồng; mã tiếp theo là CEO với 4,63 triệu đơn vị và cũng giảm giá 1,2% xuống 24.600 đồng; mã còn lại là IDJ giảm 1,3% xuống 7.400 đồng, khớp 1,06 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM dù cũng mở cửa trong sắc xanh, nhưng đảo chiều sớm hơn 2 sàn niêm yết.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,28%), xuống 89,26 điểm với 150 mã tăng và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,9 triệu đơn vị, giá trị 281 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,7 triệu đơn vị, giá trị 50,4 tỷ đồng.

Sáng nay UPCoM có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 2,67 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,1% lên 18.400 đồng; tiếp đến là C4G với 1,38 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,9% lên 14.300 đồng; TCI với 1,33 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,5% lên 11.700 đồng; tăng mạnh nhất là DVN với 6,9% lên 20.200 đồng, thanh khoản 1,02 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan