Phiên giao dịch sáng 26/3: Giữ thị trường chờ hàng về

Phiên giao dịch sáng 26/3: Giữ thị trường chờ hàng về

(ĐTCK) Dù áp lực bán khá lớn, nhưng lệnh mua chặn giá thấp giúp thị trường không giảm sâu, dù VN-Index mất mốc 600 điểm. Tuy nhiên, diễn biến phiên chiều vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ khi lượng hàng và tiền lớn từ cuối tuần trước được “giải phóng”.

Áp lực của phiên chốt lời mạnh hôm qua đã ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhất là phiên hôm nay, lượng hàng khủng của phiên giao dịch cuối tuần trước sẽ chính thức được giao dịch.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, lực bán đã được tung vào khá lớn, nhưng giá bán không quá thấp, trong khi bên mua vẫn tỏ ra khá vững, nên thị trường vẫn duy trì được sắc xanh nhạt, đặc biệt là  nhờ lực đỡ của một vài mã vốn hóa lớn như MSN, VNM, BVH.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,69 điểm (+0,28%), lên 603,54 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 84,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục, bên nắm giữ cổ phiếu đã tỏ ra nôn nóng và ồ ạt hạ giá để bán ra, vì họ lo sợ đợi đến phiên chiều, khi lượng hàng khủng về sẽ không còn kịp.

Việc bên bán nôn nóng tạo cơ hội cho những người nắm giữ tiền mặt từ từ gom hàng giá thấp, giúp thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức tốt. Tuy nhiên, sắc đỏ bao trùm cả bảng điện tử và VN-Index có lúc đã mất mốc 600 điểm, thậm chí là lùi xa mốc tâm lý này.

Điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là những đợt kéo - xả, dù không quá rõ nét như phiên 12/3. Sau khi VN-Index mất mốc 600 điểm, bên bán có dấu hiệu mất kiên nhẫn và xả mạnh hàng giá thấp, khiến chỉ số này lùi dần về sát mốc 597 điểm. Tuy nhiên, dường như không thể thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn tâm lý, để hiện tượng bán tháo diễn ra trên diện rộng, khi mà lượng hàng lớn của phiên giao dịch cuối tuần trước đang về đến “cửa”, lực mua chặn giá đã giúp thị trường dần hồi trở lại. Khi chỉ số về sát mốc tham chiếu, một đợt xả thứ 2 được thực hiện và cũng giống như đợt trước, lực chặn mua giá thấp giúp thị trường một lần nữa phục hồi và thậm chí lần này vượt qua mốc tham chiếu và vượt qua luôn mức giá mở cửa, lên mức cao nhất trong phiên 603,68 điểm.

Tuy nhiên, cũng giống như 2 lần trước, khi mọi người ngỡ rằng đợt điều chỉnh đã kết thúc và thị trường lấy lại vị thế, thì đợt xả thứ 3 lại diễn ra, lần này do thời gian còn lại của phiên quá ngắn, nên VN-Index không có cơ hội hồi trở lại và chính thức chia tay mốc 600 điểm khi đóng cửa.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,88 điểm (-0,31%), xuống 599,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 130,3 triệu đơn vị, giá trị 2.148,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 6,45 triệu đơn vị, giá trị 225,3 tỷ đồng. VN30-Index giảm 3,21 điểm (-0,47%), xuống 679,54 điểm.

Diễn biến trên HNX cũng khá giống với HOSE, cũng diễn ra các đợt kéo xả, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm HXN30, nên chỉ số này vẫn kết thúc phiên với sắc xanh. Cụ thể, HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,28%), lên 91,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83 triệu đơn vị, giá trị 965 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 13 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,62 điểm (+0,33%), lên 187,38 điểm.

Trên HOSE, VIC, BVH, VNM, các mã ngân hàng đều giảm giá, dù mở cửa phiên sắc xanh còn xuất hiện ở một số mã ngân hàng. Trong khi GAS cầm cự ở mức tham chiếu, ngoại trừ MSN có được mức tăng nhẹ khi đóng cửa phiên sáng.

Sắc tím cũng ít xuất hiện hơn các phiên trước, chỉ còn ở một số mã bất động sản thị giá thấp. Tuy nhiên, gây ấn tượng là SJS khi tăng trần lên 26.400 đồng/cổ phiếu với 1,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

Bên cạnh đó, dù chịu áp lực chốt lời mạnh chung của thị trường, nhưng FLC và ITA lại giữ được giá khá tốt, đặc biệt là ITA. Trong khi FLC đứng phiên ở mức tham chiếu với hơn 7,58 triệu đơn vị được khớp, thì ITA thậm chí có lúc được kéo lên mức giá trần 10.700 đồng/cổ phiếu, trước khi đóng cửa ở mức 10.400 đồng, tăng 400 đồng (+4,00%) với hơn 11,85 triệu đơn vị được khớp.

AGR đã hạ nhiệt khi chỉ giao dịch ở dưới mức tham chiếu, thậm chí có lúc đã bị kéo xuống mức sàn 8.700 đồng/cổ phiếu, nhưng cổ phiếu này cũng có dầu hiệu hồi phục về cuối phiên khi tạm đứng ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu, giảm 300 đồng (-3,22%) với 2,45 triệu đơn vị được khớp. BSI cũng giảm 300 đồng (-3,26%), nhưng thanh khoản thấp. Trong khi đó, HCM lại lấy lại đà tăng khá tốt với mức tăng 700 đồng, còn SSI khiêm tốn hơn với mức tham chiếu.

Trên HNX, nhóm bất động sản và chứng khoán đã lấy lại phong độ sau phiên bị chốt lời mạnh hôm qua. Đặc biệt trong phiên sáng nay là SCR khi tăng 500 đồng (+4,24%), lên 12.300 đồng/cổ phiếu với gần 8 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thanh khoản trên HNX.

PVX và SHB ngập ngừng ở mức tham chiếu với lượng khớp hơn 7 triệu và hơn 6 triệu đơn vị.

Thị trường trong phiên sáng đã tạm thời yên lòng các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư muốn chốt lời, đảo danh mục đã thực hiện được mục đích của mình, số nhà đầu tư mới cũng đã gom được hàng giá thấp. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường vẫn được nhận định là còn nhiều yếu tố bất ngờ và khó đoán trong phiên chiều khi lượng hàng khủng và tiền lớn của phiên giao dịch cuối tuần trước được “giải phóng”. Việc dòng tiền lớn của phiên cuối tuần trước quay lại thị trường để cơ cấu lại danh mục có thể đã thực hiện từ phiên trước với dịch vụ ứng trước của các công ty chứng khoán, trong khi đó, nhà đầu tư cũng nên đề phòng với lượng hàng khủng (ngoại từ một số mã được ETFs mua vào) sẵn sàng lên “bệ phóng”.

Tin bài liên quan