Phiên giao dịch sáng 3/3: Bắt đầu chạy

Phiên giao dịch sáng 3/3: Bắt đầu chạy

(ĐTCK) Mặc dù có được sắc xanh ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, nhưng lực mua dè dặt, trong khi bên bán tỏ ra mất kiên nhẫn, thị trường đã dần lao mạnh trong phiên sáng nay.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới không có nhiều thông tin vĩ mô trong nước tác động. Dự đoán của các công ty chứng khoán, cũng như các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng, dòng tiền chưa rút ra khỏi thị trường, mà sẽ dịch chuyển từ cổ phiếu này, sang cổ phiếu khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và tránh sử dụng margin cao trong giai đoạn này của thị trường.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, sự thận trọng thể hiện rất rõ ở cả bên mua và bên bán, trong khi bên bán không dám mạnh tay ngay từ đầu phiên, mà chỉ đặt những lệnh mua thăm dò, nhất là sau khi thị trường bị xả mạnh ở đợt ATC của phiên cuối tuần trước. Mặc dù vậy, sức mạnh của một số cổ phiếu vốn hóa lớn đủ sức giúp VN-Index có được sắc xanh nhạt, dù màu đỏ là sắc màu chủ đạo trên bảng điện tử.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 0,17 điểm (+0,03%) lên 586,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị 47,27 tỷ đồng.

Giá đỡ chính giúp VN-Index duy trì sắc xanh nhẹ vẫn chủ yếu là GAS, khi mã này vẫn trên đà tăng tốt nhờ kết quả kinh doanh tốt. Đây cũng chính yếu tố khiến CTCK BVSC nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu này từ mức trung tính lên tích cực.

“Chúng tôi nâng mức đánh giá tích cực đối với cổ phiếu GAS từ mức trung tính trước đó”, báo cáo của BVSC viết.

Tuy nhiên, bước vào đợt khớp lệnh liên tục, “cánh tay nhỏ” của GAS không đủ sức níu VN-Index trên tham chiếu, khi hàng loạt bluechip nối đuôi nhau giảm điểm (trong nhóm VN30 có đến 18 mã giảm giá). Những mã giảm mạnh nhất phải kể đến như MSN (giảm 1.96%); PVD (giảm 1.84%); VNM giảm 0,7%; MBB giảm 0,65%; FPT giảm 0,78%...

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ít nhiều chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chính "điểm nóng" này đã khiến thị trường chứng khoán từ Âu, sang Mỹ và tới châu Á giảm mạnh và thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này.

Quan sát thị trường phiên sáng nay thấy rõ dòng tiền ngoại đã trở nên dè dặt hơn rất nhiều. Những tổ chức đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư rất nhạy cảm với những thông tin về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới. Khi có những bất ổn về chính trị hay có chiến tranh, những tổ chức này thường có xu hướng rút tiền khỏi thị trường chứng khoán để chuyển qua các kênh đầu tư khác an toàn hơn như trái phiếu, USD, vàng.

Trở lại với diễn biến của thị trường. Ngay khi thấy bên mua thận trọng và chỉ đặt mua giá thấp, nhất là lực mua thấp của khối ngoại, bên bán đã tỏ ra mất kiên nhẫn, hạ nhanh giá bán để tháo hàng khiến thị trường mỗi lúc một yếu dần, VN-Index lùi dần về mốc 580 điểm.

Dù dòng tiền mua giá thấp vẫn lớn, nhưng có thể thấy, cuộc "tháo chạy" của một số nhà đầu tư đã bắt đầu, nhất là ở các mã tăng mạnh thời gian qua. Đây chính là lý do khiến thị trường giảm mạnh trong phiên sáng nay với số mã giảm nhiều gấp 3 lần số mã tăng giá.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 4,66 điểm (-0,79%), xuống 581,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,77 triệu đơn vị, giá trị 1.138,4 tỷ đồng. VN30-Index giảm 8,14 điểm (-1,23%), xuống 655,67 điểm do không nhận được sự hỗ trợ của GAS như VN-Index.

Chỉ số HNX-Index giảm 1,41 điểm (-1,69%), xuống 81,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,59 triệu đơn vị, giá trị 446 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 3,08 điểm (-1,85%), xuống 163 điểm.

Với nhóm bất động sản, mặc dù vẫn được lức cầu tốt, nhưng tâm lý xả hàng và chấp nhận mức giá thấp khiến cả mã 3 trụ cột ITA, FLC và HAG cùng giảm điểm, mức giảm dao động từ 1,84% đến 2,5%. Cả 3 mã này có thanh khoản khá cao với tổng khớp từ hơn 3,4 triệu đến hơn 5 triệu đơn vị.

Trong số những nấm lùn, CCL có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với gần như trắng lệnh từ phên bán, trong khi gần như không có nhiều thông tin tích cực gì. Năm 2013, CCL chỉ đạt 16% kế hoạch lợi nhuận, với con số ít ỏi chỉ 2,1 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, LCG giảm sàn khi không còn lệnh nào được ra thêm từ bên mua khi công bố kết quả kinh doanh lỗ tới 255 tỷ đồng năm 2013, điều này cũng đặt LCG vào nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. 

Trên HNX, đà giảm mạnh của HNX-Index do hàng loạt trụ cột gãy trụ như ACB, SHB, PVS, VCG, PVX... Trong đó, PVX được khớp hơn 7,7 triệu đơn vị, giảm 100 đồng, xuống 4.500 đồng/cổ phiếu.

Dòng tiền từ khối ngoại hôm nay đã giảm đáng kể, khi tính chung trên cả hai sàn, lượng mua vào chỉ đạt gần 2,5 triệu đơn vị, đồng thời bán ra hơn 270.000 đơn vị trên HNX. ITA vẫn là cổ phiếu được khối này quan tâm nhất.

Tin bài liên quan