Phiên sáng 12/6: ROS kết hợp với nhóm ngân hàng, kéo VN-Index tăng mạnh

Phiên sáng 12/6: ROS kết hợp với nhóm ngân hàng, kéo VN-Index tăng mạnh

(ĐTCK) Sau chuỗi 8 tuần giảm giá liên tiếp, ROS đã khởi sắc, tăng lên mức trần trong phiên sáng nay, cùng với sự đảo chiều của nhóm ngân hàng, giúp VN-Index bật tăng mạnh.

Trong thời gian từ 14/4 đến cuối tuần qua, dù có phiên hồi phục, nhưng cổ phiếu ROS mất gần 39% giá trị, về sát mốc 100.000 đồng. Đặc biệt trong phiên thứ Năm tuần trước, cổ phiếu bị bán rất mạnh, trong khi bên mua không dám xuống tiền, khiến ROS còn dư mua trần cả triệu đơn vị và thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE 1/9/2016 khi tổng khớp dưới 100.000 đơn vị.

Bước sang phiên cuối tuần, đà bán mạnh ở mức giá sàn tiếp tục được duy trì, nhưng khác với phiên thứ Năm, lực cầu đã mạnh hơn, giúp thanh khoản của ROS trở lại vị thế thường nhật với hơn 2,6 triệu cổ phiếu được khớp.

Thông tin đáng chú ý nhất đối với ROS và FLC là cuối tuần qua, Tập đoàn FLC đã có buổi giới thiệu các dự án bất động sản nghỉ dưỡng do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và tòa đàm về cơ hội đầu tư vào tập đoàn này với các nhà đầu tư quốc tế tại Singapore.

Ngay sau buổi chào hàng nhà đầu tư nước ngoài này, cổ phiếu ROS và FLC đã tăng vọt trở lại trong phiên sáng nay. Trong đó, ROS leo thẳng lên mức trần 112.700 đồng với gần 0,95 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 0,4 triệu đơn vị. Trong phiên sáng nay, khối ngoại mua ròng 137.510 cổ phiếu ROS. Trong khi đó, FLC cũng tăng 5,56%, lên 7.410 đồng với 9 triệu đơn vị được khớp, đứng sau BHS với 9,21 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 2,46%, lên 20.800 đồng.

Việc ROS bùng nổ đã giúp VN-Index có được sắc xanh khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay và giao dịch trên ngưỡng 750 điểm. Ngoài ROS, VN-Index còn nhận được sự hỗ trợ của một số mã lớn khác như VIC, VJC, PLX, GAS. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường ặp khó khi sắc đỏ xuất hiện tại VNM, MSN, VCB, DPM, BID, PVD, HPG…

Sau đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi phục dần, VCB về tham chiếu, BID và CTG trở lại sắc xanh, VNM cũng chỉ giảm nhẹ và MSN cũng ở lại điểm xuất phát, giúp VN-Index quay đầu tăng mạnh trở lại, kết thúc phiên sáng ở mức điểm cao nhất phiên.

Cụ thể, chốt phiên sáng đầu tuần mới, VN-Index tăng 3,69 điểm (+0,49%), lên 753,41 điểm với 115 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 101,14 triệu đơn vị, giá trị 2.073,25 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,5 triệu đơn vị, giá trị 231,86 tỷ đồng.

Ngoài ROS và FLC, một mã liên quan khác là AMD dù tiếp tục giảm sàn xuống 18.950 đồng với dư bán sàn khá lớn đầu phiên, nhưng sau đó lực cung giá sàn đã được hấp thụ hết, thậm chí có lúc mã này đã trở lại tham chiếu. Tuy nhiên, lực cung giá thấp tại AMD vẫn còn khá lớn, nên một lần nữa mã này trở lại mức sàn với tổng khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Một mã khác cũng bị bán mạnh là ATG khi lùi về mức sàn 2.460 đồng với 1,46 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. Trong khi đó, TNT còn dư bán sàn tới gần 1,67 triệu đơn vị, trong khi mới chỉ khớp hơn 263.000 đơn vị.

Trong các mã lớn, BID quay đầu tăng 1,86%, lên 19.200 đồng với 2,83 triệu đơn vị được khớp, CTG tăng 1,29%, lên 19.400 đồng, PLX tăng 1,6%, lên 63.600 đồng, SAB tăng 0,52%..., trong khi VJC lùi về tham chiếu.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index mở cửa trong sắc đỏ, dù sau đó nỗ lực đào chiều trở lại, nhưng sắc xanh không duy trì được lâu trước áp lực lớn từ các mã như ACB, VCG, CEO, LAS, SHB. Tuy nhiên, về cuối phiên, ACB, VCG, VND, VGC hồi phục, giúp hồi phục trở lại, nhưng vẫn thiếu chút may mắn để có được sắc xanh khi chỉ số này chỉ đóng cửa ở mức tham chiếu 97,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,6 triệu đơn vị, giá trị 330,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá ảm đạm với chỉ chưa đầy 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 4,8 tỷ đồng được sang nhượng.

SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 6,58 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức tham chiếu 7.200 đồng. Trong khi ACB tăng 0,38%, lên 26.300 đồng với 1,67 triệu đồng. VND tăng 2,4%, lên 21.300 đồng.

Trong khi đó, tương tự ROS và FLC, KLF cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong phiên sáng nay khi đóng cửa ở mức trần 2.800 đồng với 3,79 triệu đơn vị được khớp, dù lúc đầu phiên chỉ lình xình gần tham chiếu. Tuy nhiên, sáng nay, KLF bị khối ngoại bán ròng 247.200 đồng.

Ngoài KLF, hàng loạt mã nhỏ khác trên sàn này cũng tăng trần như APS, VAT, VCR, PV2, VIG, CVN…

Riêng NDF, sau khi tăng hơn 57,5% trong tuần trước, tiếp tục leo lên mức giá trần 18.300 đồng trong phiên sáng nay và còn dư mua giá trần.

Trên UPCoM, dù có sắc xanh nhẹ đầu phiên, nhưng chịu áp lực từ các mã lớn như HVN, DVN, MCH, GEX, VEF, NTC, SWC…, UPCoM-Index nhanh chóng đảo chiều và giảm dần đều trong phiên sáng nay, kết thúc phiên ở mức gần thấp nhất phiên.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,39%), xuống 57,57 điểm với 2,83 triệu đơn vị được khớp, giá trị 31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,72 triệu đơn vị, giá trị 32,5 tỷ đồng.

Sáng nay, TOP là mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn UPCoM với 615.700 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 5,56%, lên 1.900 đồng. Tiếp theo vẫn là DVN với 328.000 đơn vị, nhưng giảm 4,31%, xuống 22.200 đồng. HVN cũng giảm 2,53%, xuống 27.000 đồng, MCH giảm 2,21%, xuống 61.800 đồng…

Trong khi sắc xanh lại xuất hiện tại MSR (+1,96%, lên 15.600 đồng), VGG (+0,49%, lên 61.000 đồng)…

Tin bài liên quan