Phiên sáng cuối tuần 10/7: Cạn cung giá thấp

Phiên sáng cuối tuần 10/7: Cạn cung giá thấp

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt đã tăng trở lại sau 2 phiên điều chỉnh để lấy sức. Nhóm cổ phiếu lớn hồi phục khi lực cung giá thấp đã có dấu hiệu cạn kiệt chính là lực đỡ chính cho thị trường hồi phục.

Sau chuỗi phiên tăng mạnh, thiết lập các đỉnh cao mới của năm, thị trường đã có sự điều chỉnh trở lại ở 2 phiên vừa qua. Trong phiên 9/7, có nhiều thời điểm VN-Index đã lùi qua mốc 620 điểm, nhưng sau đó đều hồi trở lại cho thấy đây là mốc hỗ trợ khá mạnh của chỉ số.

Lực cầu được khởi động tốt tại mốc hỗ trợ, thanh khoản giảm trở lại khi thị trường điều chỉnh thể hiện tâm lý nhà đầu tư đang ổn định.

Trong khi đó, những lo sợ ảnh hưởng từ bên ngoài cũng phần nào đã vơi đi khi chứng khoán toàn cầu đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên hôm qua. Nỗi lo đến từ chứng khoán Trung Quốc cũng đã tạm lắng khi thị trường này đã hồi phục mạnh trở lại nhờ các biện pháp can thiệp mạnh tay của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp lại có hy vọng được tháo gỡ.

Quay trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, hướng ứng những thông tin tích cực trên, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm khá mạnh khi bước vào phiên giao dịch sáng 10/7. Nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục là bệ đỡ của thị trường khi đồng loạt giữ sắc xanh.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 5,46 điểm (+0,88%) lên 627,56 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt tới hơn 15,3 triệu đơn vị, giá trị gần 187 tỷ đồng. Thanh khoản tăng vọt là nhờ giao dịch thỏa thuận của 10,5 triệu cổ phiếu EIB ở mức giá sàn, giá trị 137,55 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, sự hưng phấn nhanh chóng đã được tiết chế. Tuy vậy, thanh khoản thị trường gia tăng mạnh nhờ giao dịch của một số mã.

Đáng chú nhất là OGC. Ngay từ khi mở cửa, lực cầu rất mạnh đã nhắm vào mã này và liên tục hấp thụ lượng lớn lượng giá sàn. Chỉ sau 50 phút giao dịch, OGC đã khớp 12 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lượng cung giá sàn vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Chiều ngày 8/7, HOSE đã phát đi thông báo, đưa cổ phiếu OGC vào danh sách bị kiểm soát đặc biệt từ ngày 14/7 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo và để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư sau khi được UBCKNN chấp nhận.
Như vậy, từ thứ Ba tuần sau, cổ phiếu OGC chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Bên cạnh đó, BCI cũng được thỏa thuận tới 24,192 triệu đơn vị giá trị đạt gần 409 tỷ đồng, chiếm trên 40% thanh khoản thị trường ở thời điểm hiện tại.

Áp lực bán đang dần gia tăng, nhưng nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí vẫn đang là lực đỡ chính và giúp các chỉ số duy trì được sắc xanh. Hoạt động giao dịch trên sàn HNX khá trầm lắng.

Tại thời điểm 10h5, VN-Index tăng 3,53 điểm (+0,57%) lên 625,13 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 71,7 triệu đơn vị, giá trị gần 1.009tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,58 điểm (+0,66%) lên 88,5 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt tới hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 167,36 tỷ đồng.

Với lực cầu khá tốt, một lần nữa VN-Index lại được kéo tăng lên gần mốc 630 điểm, nhưng áp lực bán giá cao luôn hiện hữu nên chỉ số nhanh chóng thoái lui trở lại và tiếp tục giằng co trên mốc 625 điểm cho đến hết phiên. Sau 1 phiên “nghỉ ngơi”, dòng tiền đã quay trở lại trong phiên sáng nay, giúp thanh khoản tăng mạnh trở lại so với phiên sáng qua.

Kết thúc phiên sáng, với 104 mã tăng và 81 mã giảm, VN-Index tăng 3,51 điểm (+0,56%) lên 625,61 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 0,62 điểm (+0,1%) lên 647,2 điểm với 12 mã tăng và 10 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 134,37 triệu đơn vị, giá trị gần 2.067 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với gần 45,54 triệu đơn vị, giá trị gần 706 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của EIB và BCI.

Sau khi được thỏa thuận từ sớm 10,5 triệu đơn vị, EIB tiếp tục được thỏa thuận thêm 10,5 triệu đơn vị nữa ở mức giá sàn 13.100 đồng/CP, nâng tổng số cổ phiếu được thỏa thuận phiên sáng nay lên 21 triệu đơn vị, trị giá 275,1 tỷ đồng.

BCI thỏa thuận tới 24,192 triệu đơn vị ở mức giá đỏ 16.900 đồng/CP, tương ứng giá trị 408,844 tỷ đồng. Kết phiên, BCI được kéo tăng lên mức giá trần 18.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 650.000 đơn vị. Được biết, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Tp.HCM (HIFC) đã đăng ký bán toàn bộ 24,192 triệu cổ phiếu, tương đương 27,9 % vốn điều lệ của BCI từ 10/7 đến 7/8 bằng phương thức thỏa thuận nhằm mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư theo phương án được chủ sở hữu chấp thuận. Như vậy, nhiều khả năng đây là giao dịch từ phía HFIC và đơn vị này đã thoái xong vốn tại BCI.

Áp lực bán mạnh cuối phiên khiến nhiều mã bluechips yếu đà, nhưng nhóm ngân hàng, chứng khoán cộng thêm bảo hiểm đã tăng tốt, qua đó giữ được sắc xanh của chỉ số.

Các mã VNM, MSN, GAS, PVD... lùi về tham chiếu, còn HPG, HAG, FPT, DPM, GMD... quay đầu giảm nhẹ.

Dù STB giảm điểm, EIB đứng mốc tham chiếu, nhưng VCB, MBB, CTG và BID đã tăng tốt. Đáng chú ý, MBB được giao dịch mạnh mẽ nên khớp tới 13,1 triệu đơn vị đến hoàn toàn từ khối nội và thanh khoản chỉ đứng sau OGC, đóng cửa tăng 300 đồng. VCB cũng khớp được 3,37 triệu đơn vị và tăng 900 đồng, BID khớp 2,57 triệu đơn vị và tăng 200 đồng.

Nhóm chứng khoán, SSI và AGR lùi về mốc tham chiếu, còn HCM và BSI giữ được sắc xanh. SSI khớp 2,7 triệu đơn vị. Nhóm bảo hiểm, BIC và BMI đã tăng trần, BVH tăng 500 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, áp lực bán mạnh vẫn được duy trì. Sau gần 1 giờ giao dịch mạnh mẽ, OGC đã chững hẳn lại sau đó khi lượng cung giá sàn liên tục được bơm vào thị trường. Kết phiên, OGC giữ nguyên mức sàn 2.400 đồng/CP và khớp 13,3 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE và còn dư bán sàn hơn 2,9 triệu đơn vị.

JVC cũng giữ sắc đỏ từ đầu phiên với mức giảm 400 đồng xuống 8.100 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị. HAI giảm 500 đồng xuống 10.300 đồng và khớp 6,7 triệu đơn vị. Các mã khác như FLC, CII, DLG, VHG cũng giữ sắc đỏ và tham chiếu, thanh khoản từ 1-3 triệu đơn vị.

Trên HNX, với 68 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%) lên 87,97 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,29 điểm (+0,17%) lên 169,81 điểm với 9 mã tăng và 11 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,23 triệu đơn vị, giá trị gần 343 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 8,9 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán cũng đã yếu đi thấy rõ khi VND và BVS cùng giảm 100 đồng, KLS và SHS cùng lùi xuống tham chiếu. Các mã ACB, PVS, PVC, PGS, VCG... giữ sắc xanh nhẹ.

FIT tăng 100 đồng và khớp 2,77 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. SCR giảm nhe 1 bước giá và khớp hơn 2 triệu đơn vị. KLF và SHB cùng đứng tham chiếu và khớp hơn 1,5 triệu đơn vị.

Thanh khoản trên HNX vẫn giữ đà trầm lắng. Ngoài 4 mã trên, chỉ có thêm PVX là có thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan