
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.
Quan điểm này được Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu tại phiên họp sáng 10/7, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Tại dự thảo báo cáo, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn...
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ giao một cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực ở cả khu vực công và ngoài công lập, xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia và lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đoàn giám sát cũng đề nghị sớm hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan Nhà nước sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung vào chế độ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích việc mở rộng áp dụng tiêu chuẩn, bằng cấp quốc tế trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu sau phần thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, điều quan trọng nhất sau giám sát là đưa ra được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Phó thủ tướng, hiện chưa có quy định thế nào nguồn nhân lực chất lượng cao, đánh giá bằng cấp hay khả năng thực hành, tức là trình độ chuyên môn. Từ đó Phó thủ tướng cho rằng, cần làm rõ khái niệm và phạm vi của nguồn nhân lực chất lượng cao mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và có giải pháp.
Cụ thể, Phó thủ tướng nói, phải xác định cần đào tạo chuyên sâu ở những ngành nào. Đối tượng đào tạo cũng phải là những thanh niên, sinh viên ưu tú để đưa đi học và quay trở về phục vụ đất nước.
Về hình thức và nguồn lực, Phó thủ tướng cho rằng, Nhà nước không thể đảm nhiệm hết mà phải từ nguồn lực của xã hội, vì thế nên chăng có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài.
Muốn thu hút được nhân tài, Phó thủ tướng nhấn mạnh phải có cơ chế, chính sách cho nhân lực chất lượng cao về nhà ở, biên chế, thu nhập...Ví dụ, thu hút vào cơ quan Nhà nước thì họ có được vào biên chế ngay không, hay phải hợp đồng. Những vấn đề này cần phải cân nhắc.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nêu thực tế, vừa qua thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp cho thấy nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước còn “yếu, rất yếu”. Những người có năng lực lại ra làm ở doanh nghiệp vì cơ quan nhà nước trả lương 5-7 triệu đồng/tháng, không thể thu hút họ được.
“Trước mắt, với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ trong cơ quan nhà nước, cần có cơ chế đặc thù, ít nhất như Nghị định 140 về thu hút nhân tài là hưởng 200% lương mới giữ được nhân tài. Nếu không giữ được, vận hành theo dạng số hóa rất khó khăn”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.
Trước đó, trong phát biểu của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề cập, kết quả giám sát đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục, kể cả giáo dục phổ thông.
Theo ông Mãi, giáo dục phổ thông không phải chỉ học chữ, học kỹ năng mà còn chuẩn bị tâm thế của người chủ đất nước. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học phải có sự đổi mới rất mạnh mẽ và phải sát với thị trường, sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đề cập vấn đề tự chủ và xã hội hóa, ông Mãi cho rằng, tự chủ, xã hội hóa không có nghĩa là để các cơ sở giáo dục tự thu, tự xoay sở. “Thậm chí, quá trình tự chủ này, xã hội hóa này, ngân sách phải đầu tư nhiều hơn nữa với quan niệm đầu tư cho giáo dục, y tế, xã hội”, ông Mãi nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính nhấn mạnh, tự chủ đây là tự quyết chứ không phải tự chủ về ngân sách, tài chính. Xã hội hóa không phải thương mại hóa giáo dục - đào tạo, mà nhà nước vẫn phải có đầu tư, thậm chí đầu tư nhiều hơn năm sau nhiều năm trước, nhưng tỷ trọng trong sự tham gia của xã hội có thể thấp đi.
“Nếu để các cơ sở đào tạo, giáo dục tự lo kinh phí sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác. Từ kết quả chỉ ra về tự chủ, xã hội hóa, tôi đề nghị chúng ta phải nâng tầm về định hướng, tức là chủ trương của Đảng và nâng tầm chính sách”, ông Mãi phát biểu.