Phó thủ tướng: Quy hoạch Điện VIII không thể hợp thức hóa dự án sai

0:00 / 0:00
0:00
Một số dự án đưa vào Quy hoạch Điện VII sửa đổi đã sai rồi, nên không thể đưa vào Quy hoạch Điện VIII vì như vậy là hợp thức hoá, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, vấn đề hiện nay đang vướng chính là khu vực thủy điện nhỏ, điện mặt trời và điện gió.

Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” với nhiều câu hỏi xoay quanh các quy hoạch điện VII, VIII.

Liên quan đến việc Quy hoạch Điện VIII phê duyệt, nhưng chưa thực hiện ngay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình, khi các dự án trọng điểm lớn đảm bảo cân đối, được tính toán, thì 2/3 tổng nhu cầu điện năng đã đưa vào Quy hoạch Điện VIII và đang thực hiện.

Song hiện nay đang vướng chính là khu vực thủy điện nhỏ, điện mặt trời và điện gió, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng, người làm quy hoạch cần tính toán, cân đối các nguồn điện trên cơ sở Quy hoạch Điện VII.

Phó thủ tướng cho biết, thực tế phát triển năng lượng tái tạo tại Quy hoạch Điện VII là hơn 14.000 MW, gấp hơn 5 lần so với ban đầu, nên chưa thể đưa cụ thể các dự án điện vào Quy hoạch Điện VIII.

“Một số dự án đưa vào Quy hoạch Điện VII sửa đổi đã sai rồi, nên không thể đưa vào Quy hoạch Điện VIII, vì như vậy là hợp thức hoá. Đây là chuyện mà tại sao gần 2 năm không ai dám phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, thực tế khi phê duyệt cũng hết sức lo lắng, có những vấn đề là quy hoạch gồm cả trung ương, địa phương, gắn quy hoạch đất đai, lâm nghiệp… Do đó, nếu làm quy hoạch không có số liệu và tính toán đầy đủ thì không thể đưa vào kế hoạch điện được”, Phó thủ tướng giải thích.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Phó thủ tướng nói thêm vấn đề giá điện, thị trường điện giải quyết cụ thể thế nào.

“Phương pháp định giá và các quy định pháp luật định giá hiện nay cứ tranh cãi bấy lâu nay, nhưng báo cáo thật với Chủ tịch, hôm vừa rồi, Thủ tướng cũng rất bức xúc, cuối cùng họp lại, thực tế, chúng ta chưa cần sửa Luật Điện lực vẫn có thể quy định được giá thị trường của giá điện”, Phó thủ tướng hồi âm.

Ông Hà cũng đề cập đến việc cho phép mua bán điện trực tiếp và tính toán thêm một số chi phí liên quan đến vận hành, điều tiết, phân phối… và một số hoạt động kỹ thuật khác.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, chắc chắn phải ban hành được một nghị định và khoảng 3 thông tư về giá điện, trách nhiệm này là thuộc Bộ Công thương và điều này hoàn toàn có thể làm được, Phó thủ tướng khẳng định.

Ông Hà cũng nói thêm, hiện nay, trên thế giới, liên quan đến mua bán điện trực tiếp cũng đã có công thức, nên nếu kế thừa, Việt Nam sẽ làm được. Chỉ có điều là hiện nay cần phải đánh giá tác động khi chuyển sang cơ chế này thì vấn đề liên quan đến các cơ chế để kiểm soát đầu tư công tư như thế nào.

Phó thủ tướng cũng báo cáo thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không thể nói công tác tổ chức thực hiện là tốt. Bởi vì các dự án điện ở trong Quy hoạch Điện VII thì khoảng 5 công trình lớn như khí lô B ở Ô Môn bao nhiêu năm nay cứ loay hoay giữa giao cho EVN và PVN. Trong khi EVN không có vốn, không tiếp cận được vì đang nợ nên không thể vay vốn và như vậy là khoảng 10 năm không làm.

“Vừa rồi, Chính phủ quyết định là phải tính toán giữa thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn, giao cho PVN làm, khoảng tuần sau là bắt đầu ký được các hợp đồng với Nhật Bản để triển khai, như vậy là sau khoảng 3-4 năm nữa chúng ta mới có được nguồn điện, chúng ta đã chậm 10 năm”, Phó thủ tướng nói.

Ông Hà cũng cho biết các khu vực đầu tư ngoài nhà nước hiện nay chiếm khoảng 60% tổng nguồn điện, EVN và các nơi chỉ chiếm 38%. Vừa rồi thiếu điện là do 4 cụm nhà máy nằm im do hỏng hóc, do thiếu thiết bị, một lý do nữa là không có lãi nên không làm.

Ngoài ra, thiếu điện còn do quản lý yếu kém và công tác điều hành nên hiện nay điều phối A0 đã chuyển về cơ quan quản lý nhà nước. Sắp tới vấn đề giá cả thì chắc chắn cơ quan nhà nước sẽ phải tính toán, kinh doanh là kinh doanh, còn nhà nước phải quản lý khâu điều phối, Phó thủ tướng nói.

Tin bài liên quan