PLP hoạt động kinh doanh chính tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn mở rộng đầu tư

PLP hoạt động kinh doanh chính tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn mở rộng đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay những ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nhâm Dần, các nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) đã chạy hết công suất. Công ty dự kiến tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để mở rộng Nhà máy sản xuất phào nẹp SPC ngay trong quý I năm nay.

Củng cố nền tảng vững chắc

Với sự hoạt động ổn định của 2 nhà máy sản xuất hạt nhựa tại Nghệ An và Hải Phòng, sản lượng Filler xuất khẩu của Pha Lê có triển vọng tích cực hơn, đặc biệt khi tình trạng thiếu vỏ container rỗng trong các dịch vụ hàng hải được giảm dần. Số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Công ty cho thấy, doanh thu quý tăng 89% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh và tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu diễn biến phức tạp, Ban lãnh đạo của PLP đã nhìn nhận hoạt động xuất khẩu filler đang bị chững lại do đặc thù hàng khối lượng nặng, tỷ trọng chi phí vận tải lớn nên chịu ảnh hưởng bởi giá cước biển tăng, đặc biệt là tại các thị trường ở xa.

Mặt khác, các doanh nghiệp filler tại Việt Nam có xu hướng chuyển đổi thị trường xuất khẩu từ châu Âu, Nam Mỹ sang tập trung ở Trung Quốc. Tuy nhiên, PLP xác định chủ trương phát triển không chỉ tập trung vào phân khúc cấp thấp là thị trường Trung Quốc và không chỉ tập trung vào phân khúc sản phẩm phổ thông. Vậy nên, Công ty đã mạnh dạn xoay trục hoạt động của mình sang phát triển các sản phẩm khác, bên cạnh sản xuất hạt nhựa, sàn đá công nghệ SPC, đáng chú ý là sản phẩm phào nẹp SPC.

Theo số liệu BCTC của công ty công bố, doanh thu hợp nhất năm 2021 của Pha Lê tăng 36%, lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỷ - tăng 193% so với năm 2020 cho thấy hướng phát triển của Pha Lê đang mang lại hiệu quả rất tích cực. Thị phần của Công ty có triển vọng tăng trưởng khi các đối thủ cạnh tranh đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Đây là tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Công ty sau khi tình hình dịch bệnh cải thiện.

Ở mảng sàn đá công nghệ SPC, cho đến thời điểm hiện tại, nhà máy Đồng Nai (PLP sở hữu 51% vốn) đã hoàn tất công tác đầu tư và vận hành đủ 12 dây chuyền. Tổng công suất của 12 dây chuyền là hơn 11 triệu m2/năm. Năm 2021, vượt qua nhiều thách thức như sản xuất 3 tại chỗ, khó khăn logistic, tuy nhiên nhà máy vẫn duy trì ổn định.

Sản lượng sản xuất của nhà máy liên tục tăng từ 150.000 m2/tháng vào quý I lên 600.000m2/ tháng vào cuối năm 2021. Mức sản lượng này khoảng đạt 65% công suất thiết kế ban đầu. Tuy chỉ hợp nhất từ 01/7/2021 (2 quý cuối năm) nhưng mảng sàn đá công nghệ SPC đã đóng góp hơn 550 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất năm 2021của Pha Lê. Nhà máy Neo Floor tại Hải Phòng hiện đã đầu tư 08/12 dây chuyền, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Một mảng hoạt động mới của Pha Lê được triển khai từ tháng 10/2021 là sản xuất phào, nẹp, sản phẩm phụ trợ của ván sàn SPC và sử dụng trong nội thất dân dụng, khuôn tranh ảnh… có những kết quả bước đầu tích cực khi sản phẩm được đón nhận rộng rãi. Đây là phụ kiện có chức năng che đi các khoảng trống giãn nở cho sàn khi hoàn thiện, đồng thời được sử dụng để trang trí giúp tăng tính thẩm mỹ cho nền lát sàn. Phụ kiện này còn có thể sử dụng cho sàn gỗ, sàn nhựa thông thường, khung tranh ảnh…

Bên cạnh 2 dây chuyền cung cấp sản lượng gần 3 triệu m dài/năm, PLP đặt kế hoạch đầu tư bổ sung thêm 3 dây chuyền nữa cuối quý I và dự kiến đi vào vận hành đầu quý III năm nay.

“2020 - 2021 là 2 năm bận rộn và nỗ lực lớn của PLP trong bối cảnh bộn bề khó khăn do Covid song đã thúc đẩy được công tác đầu tư. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn tất công tác đầu tư trong nửa đầu năm 2022 và tập trung vào triển khai danh mục dự án để có thêm doanh thu trong năm nay”, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch PLP cho biết.

Kỳ vọng tích cực

Xây dựng kế hoạch 2022, ban điều hành PLP dự kiến doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt tối thiểu 100 tỷ đồng. Đây là phương án đặt trên những kịch bản về giá cước vận tải biển duy trì ở mức cao và khó khăn do việc thiếu container rỗng còn kéo dài.

Ngoài việc đưa mảng sản xuất với các nhà máy mới đi vào nề nếp và gia tăng hiệu suất hoạt động, danh mục đầu tư của PLP với các dự án tiềm năng cho thấy “nguồn việc” dồi dào.

Theo đó, Công ty cổ phần Khoáng sản Minh Cầm tại Quảng Bình đã hoàn tất thủ tục pháp lý để đi vào khai thác, dự kiến bắt đầu có doanh thu năm 2022. Hiện doanh nghiệp đang tập trung cho công tác đầu tư hạ tầng khai trường, nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển đá cho các dự án trong vòng bán kính 200 km. Công ty đã ký được một số Hợp đồng cung cấp đá cho các Công ty dự án tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đặc biệt, chất lượng đá của mỏ Minh Cầm còn đạt tiêu chuẩn dùng cho luyện thép.

Hệ thống Pha Lê trong 2 năm qua đã tuyển dụng thêm hơn 1.000 người lao động, nâng tổng số nhân sự lên gấp đôi so với trước đại dịch Covid-19. Với việc đưa hàng nghìn người lao động vững vàng vượt qua 2 năm Covid và xây dựng được các nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, Nhựa Pha Lê cho thấy triển vọng tăng trưởng và sức bật bền vững trong giai đoạn 2022-2023.

Tin bài liên quan