PTSC, “dấu ấn” Forbes và nỗ lực vươn tầm

(ĐTCK) Năm 2013, đối với Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) là một năm ghi nhớ nhiều dấu ấn nổi bật trên con đường trở thành nhà cung cấp dịch vụ dầu khí uy tín thế giới.Nhưng chia sẻ với ĐTCK Xuân Giáp Ngọ, ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc PVS cho biết, PVS đang nỗ lực cải tiến nâng cấp thực hiện mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.
PTSC, “dấu ấn” Forbes và nỗ lực vươn tầm

Năm qua, Ban lãnh đạo PTSC có sự thay đổi một số vị trí chủ chốt, điều này khiến nhiều cổ đông có phần bất ngờ. Kết quả kinh doanh năm 2013 với lợi nhuận vượt 80% kế hoạch cũng lại là một bất ngờ khác.  Xin ông chia sẻ một vài yếu tố làm nên thành công này?

Việc thay đổi cơ cấu lãnh đạo PTSC là yêu cầu của công việc, mục tiêu phát triển và tổ chức, Công ty đạt được kết quả khả quan là do nỗ lực của cả tập thể Người lao động cùng với sự chỉ đạo sâu sát, sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ từ cấp trên. Năm 2013, Tổng công ty đã về đích doanh thu trước 1 tháng và lợi nhuận đạt 1.795 tỷ đồng, vượt 80% so với kế hoạch.

Để đạt được kết quả như trên, Tổng công ty đã xây dựng và triển khai quyết liệt cách thức, giải pháp, mô hình nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ cạnh tranh với các DN trong nước, các công ty tư nhân mà hiện có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có tiềm lực về cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, tài chính đang ráo riết xâm nhập thị trường cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, cùng chính sách bảo hộ của các quốc gia đang là thách thức không nhỏ đối với Tổng công ty.

Mặc dù vậy, thành công của  PTSC trong năm qua là đã thắng thầu quốc tế tàu dịch vụ đi Malaysia (4 tàu), tàu nhà ở Accommodation Barge đi Myanmar; tàu địa chấn đi làm dịch vụ quốc tế liên tục (BM2 và Amadeus triển khai hợp đồng tại Indonesia…) và tham gia một số dự án chế tạo giàn công nghệ epC như HRD cho ONGC India, Dự án EPCC MLS cho Total Brunei... hoàn toàn tự lực, thông qua đấu thầu quốc tế, có sự tham gia, cạnh tranh của các công ty tại các nước có giá cả cạnh tranh cao.

Một dấu ấn năm qua là PTSC lọt vào Top 20 DN niêm yết tốt nhất TTCK Việt Nam do Forbes bình chọn. Tham gia điều hành một blue-chip trên sàn niêm yết, cũng là một ‘đại gia’ trong ngành dầu khí, có thể nói là vừa hạnh phúc nhưng cũng đầy áp lực, thưa ông?

Tôi cho rằng đây là một niềm khích lệ lớn đối với Tổng công ty, đồng thời cho thấy những nỗ lực của cả một tập thể đã được ghi nhận và chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy để đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai.

Bản thân tôi đã có thời gian dài gắn bó với PTSC từ khi tôi bắt đầu làm việc cũng là giai đoạn khởi nghiệp PTSC, lại thừa hưởng từ các thế hệ Lãnh đạo và Người lao động cùng nền tảng văn hóa được dày công vun đắp là điều rất may mắn, nhưng cũng có những áp lực nhất định.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, PTSC luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao và hiệu quả từ cấp trên, sự ủng hộ, nỗ lực của đội ngũ nhân viên.

Có thể nói, văn hóa DN tại PTSC luôn tạo ra một môi trường lao động liên tục cải tiến, phát triển khi phát huy, khuyến khích ý thức tự giác cao của người lao động. Đó chính là những nền tảng nội lực vững vàng để chúng tôi tự tin hơn khi vạch ra con đường tương lai của Tổng công ty.

Ông vừa nói đến con đường tương lai, nhưng có thể thấy, thị trường dịch vụ dầu khí ngày càng thu hẹp; cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt. Chặng đường vươn tầm quốc tế của PTSC chắc sẽ đòi hỏi những nỗ lực lớn trong việc tự làm mới mình, thưa ông?

Đúng vậy, cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài nước đang ngày càng khốc liệt trên mọi lĩnh vực, ngành dầu khí cũng không ngoại lệ.

Hiện nay, các dự án ngoài biển trong nước đang có xu hướng giảm cả về quy mô lẫn số lượng, trong khi các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… đều có những chính sách bảo hộ rất mạnh, nên đây cũng là một thách thức lớn đối với các DN trong ngành nói chung.

Với PTSC, những khách hàng trong nước của Tổng công ty ngày càng có yêu cầu khắt khe về an toàn, kỹ thuật, chất lượng, tiến độ, nhưng giá lại yêu cầu giảm.

Ngoài ra, những dự án trên bờ trong và ngoài nước có giá cả thấp và cạnh tranh đấu thầu quốc tế rất khốc liệt… Chính vì vậy, để cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế thì PTSC phải tiếp tục nỗ lực nâng cấp năng lực, hệ thống, cũng như từng cá nhân.

Tổng công ty đã xây dựng và tổ chức triển khai hàng loạt giải pháp nhằm hiện thực hóa chiến lược nêu trên, trong đó tập trung xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ kỹ thuật dầu khí ra nước ngoài, phát triển sản phẩm, hàng hóa công nghiệp phụ trợ có tính cạnh tranh cao.

Trong năm 2014, định hướng của PTSC là sẽ thực hiện thành công đề án tái cấu trúc 2 khu vực chính, bao gồm tái cơ cấu về tổ chức, thoái vốn tập trung vào các chức năng kinh doanh chính và cải tiến nâng cấp hệ thống, phát huy hiệu quả.

Tổng công ty đã và đang áp dụng nhiều giải pháp, mô hình thực hiện hiệu quả, đặt mục tiêu hiệu quả và phát triển lên hàng ưu tiên đặc biệt với các công việc, dự án có được thông qua đấu thầu cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, về quản trị doanh nghiệp nhà nước khi đặt mục tiêu phát triển lên mức cao cỡ nào trong tổng thể các yêu cầu, nhu cầu cần phải được xác định và đi kèm đó là cách thức, mô hình  giải pháp và pháp lý hóa đó để tạo hành lang, điều kiện thực hiện.

Đây là vấn đề đang đặt ra và cần được giải quyết theo nhu cầu thời gian về ổn định, phát triển doanh nghiệp nhà nước, kinh tế đất nước.

Tin bài liên quan