Ông Bùi Vạn Thuận

Ông Bùi Vạn Thuận

PVI chuẩn bị thành lập công ty quản lý quỹ

(ĐTCK) Ngoài Công ty Bảo hiểm Nhân thọ, PVI còn có kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ (PVI Fund) trong những tháng cuối năm 2012.

6 tháng đầu năm nay, PVI tiếp tục giành ngôi vị số 1 doanh thu bảo hiểm gốc. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI chia sẻ, điều quan trọng hơn cả đối với PVI vẫn là giữ vững hiệu quả trong hoạt động của một DN trên con đường trở thành Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm quốc tế và không quá chạy theo doanh thu bằng mọi giá.

Các quý đầu những năm gần đây, PVI luôn dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm gốc. Điều gì đã mang lại “cái nhất” này, thưa ông? PVI có định chinh phục vị trí dẫn đầu trong cả năm tài chính hay không?

PVI là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 thị trường, các hợp đồng bảo hiểm lớn về kỹ thuật - tài sản, hàng hải… thường được ký mới hay tái tục trong 6 tháng đầu năm, nên doanh thu bảo hiểm gốc của PVI tăng mạnh trong nửa đầu năm đã mang lại “cái nhất” này.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu kinh doanh bảo hiểm gốc của PVI đạt 2.769 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, với thị phần là 23,8%. Đặc biệt, trong quý I/2012, trong Top 5 công ty dẫn đầu thị trường, Bảo hiểm PVI là 1 trong số 2 DN có lãi về nghiệp vụ.

Hai vị trí số 1 và số 2 thị trường hiện nay không quá cách xa nhau. Tuy nhiên, quan điểm của PVI vẫn là tập trung giữ vững hoạt động kinh doanh hiệu quả, mà không quá chạy theo doanh thu. Hiệu quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2012 cũng đã khẳng định rõ thêm điều này.

Chính vì vậy, việc có dẫn đầu thị trường về doanh thu bảo hiểm gốc trong cả năm tài chính hay không, không phải là mục tiêu mang tính quyết định của PVI.

 

Không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm, PVI còn tiếp tục khẳng định mình khi đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao ở nhiều chỉ tiêu tài chính khác nữa?

PVI tiếp tục khẳng định mình bằng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 rất đáng khích lệ, đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao ở mọi chỉ tiêu. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.653 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch 6 tháng, bằng 59% kế hoạch năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài việc dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm gốc, doanh thu tái bảo hiểm đạt 451 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động đầu tư tài chính đạt 417 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch năm, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 317 tỷ đồng, hoàn thành 123% kế hoạch 6 tháng, bằng 62% kế hoạch năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Nộp ngân sách đạt 305 tỷ đồng, hoàn thành 123% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 65% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản ước đạt 10.342 tỷ đồng, tăng 38%; vốn chủ sở hữu ước đạt 5.371 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

 

PVI lâu nay vẫn được thị trường đánh giá là nơi hội tụ nhiều nhân sự cấp cao có tầm. Không thể phủ nhận kết quả khả quan trên một phần là nhờ đội ngũ lãnh đạo. Đối với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ sắp thành lập (PVI Sun Life), chiến lược thu hút nhân sự sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Việc tuyển dụng nhân sự cấp cao cho PVI Sun Life sẽ đến từ 3 nguồn chính, đó là từ PVI, Sun Life và bên ngoài. Tuy nhiên, dù đến từ nguồn nào thì việc tuyển dụng nhân sự chủ chốt cho PVI Sun Life vẫn đảm bảo phục vụ cho hoạt động hiệu quả của một DN bảo hiểm nhân thọ tầm cỡ.

Bởi lẽ, việc thành lập PVI Sun Life nằm trong chiến lược phát triển của PVI và đánh dấu bước phát triển mới của Sun Life Financial tại châu Á. PVI Sun Life sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiên tiến cho khách hàng tại Việt Nam, thông qua các kênh bán hàng đa dạng, với định hướng chiến lược trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam.

Khi bước chân vào làm việc tại PVI là đồng nghĩa với việc có cơ hội được làm việc với các chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực bảo hiểm, trong môi trường chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội thăng tiến. Ngoài ra, các cán bộ - nhân viên của PVI Sun Life sẽ được tham dự nhiều lớp đào tạo vừa học vừa làm tại các trụ sở của Sun Life trên toàn thế giới.

Bên đối tác Sun Life sẽ cử người đảm nhận các vị trí cấp cao trong Công ty như tổng giám đốc và chuyên gia tính phí bảo hiểm. PVI đảm nhận một số vị trí chủ chốt khác. Đối với các vị trí còn lại, PVI vẫn đang tiến hành tuyển dụng và tìm kiếm.

 

Được biết, Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re, do PVI nắm 100% vốn) sẽ được cổ phần hóa trước tiên trong lộ trình cổ phần hóa các công ty con. Xin ông chia sẻ thêm về phương án này? Vì sao PVI chọn PVI Re, mà không phải là Tổng công ty Bảo hiểm PVI để cổ phần hóa?

Hiện PVI đang xây dựng phương án cổ phần hóa cụ thể, dựa trên lộ trình cổ phần hóa các công ty con đã được ĐHCĐ cũng như HĐQT PVI thông qua trước đó. Dự kiến, đến cuối năm 2012 - đầu năm 2013 mới có phương án chính thức. Tuy nhiên, dù là cổ phần hóa theo cách nào, thì điều mà Ban lãnh đạo PVI hướng đến vẫn là tập trung vào hiệu quả cao nhất cho PVI, cũng như các cổ đông.

Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, PVI Re đã đạt được những kết quả khả quan. Lợi nhuận trước thuế hoàn thành 117% kế hoạch 6 tháng mà PVI giao. Tổng doanh thu đạt 547 tỷ đồng (trong đó doanh thu phí nhận tái bảo hiểm là 447 tỷ đồng) - doanh thu 6 tháng mà một công ty tái bảo hiểm khác của Việt Nam sau 16 năm hoạt động mới đạt được. Đây là những đóng góp rất quan trọng vào kết quả kinh doanh chung của công ty mẹ và là thành tích đáng ghi nhận của PVI Re.

Việc cổ phần hóa công ty nào tại thời điểm nào nằm trong lộ trình cổ phần hóa các đơn vị thành viên của PVI. Mục tiêu quan trọng nhất là hiệu quả mang lại cho PVI và các cổ đông.

 

TTCK còn chưa hết khó khăn. Điều này có “làm khó” công tác cổ phần hóa PVI Re hay không, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi đang chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa này, để chốt được mọi việc liên quan thì cần thêm một thời gian nữa. Phương án chi tiết cũng như thời điểm thực hiện sẽ được đưa ra dựa trên cơ sở đem lại quyền lợi cao nhất có thể cho cổ đông PVI. Tôi tin tưởng hoạt động này sẽ đạt được mục tiêu.

Trước đây, PVI đã từng thành công với công cuộc cổ phần hóa để trở thành Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam, cũng như đã từng bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài với giá bán cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách.

Mới đây nhất, bất chấp diễn biến thất thường của thị trường, PVI tăng vốn điều lệ thành công từ 2.129 tỷ đồng lên 2.342 tỷ đồng, thông qua hình thức phát hành 21,3 triệu cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu là HDI-Gerling Industrie (công ty con do Tập đoàn Talanx nắm giữ 100% vốn), với giá bán 26.335 đồng/CP, cao gấp 1,55 lần giá thị trường tại thời điểm ký hợp đồng. Hoạt động này thu về hơn 560 tỷ đồng (tương đương 27 triệu USD).

 

Với vai trò của mình, trong thời gian qua, Công ty mẹ PVI Holdings đã:

* Tăng cường giám sát, quản lý và nâng cao vai trò điều tiết, cân đối các nguồn vốn đầu tư của PVI và các công ty con để tối ưu hóa các nguồn lực của PVI, đảm bảo hoạt động đầu tư có hiệu quả, an toàn, tạo tính thanh khoản cao.

* Hỗ trợ các công ty bảo hiểm thành viên trong việc bảo vệ thành công xếp hạng tín nhiệm với Tổ chức A.M. Best.

* PVI luôn quan tâm và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hoạt động tổ chức đoàn thể. Trong 6 tháng đầu năm 2012, PVI đã đóng góp cho các hoạt động này hơn 4 tỷ đồng.

* Ngoài Công ty Bảo hiểm Nhân thọ, PVI còn có kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ (PVI Fund) trong những tháng cuối năm 2012. Việc thành lập PVI Fund là một chiến lược quan trọng trong năm nay để tăng tính hiệu quả, chuyên nghiệp hóa việc quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn vốn và dòng tiền trong toàn hệ thống PVI.