Quà Noel sớm của giới đầu tư

Quà Noel sớm của giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát tại Mỹ dần được kiềm chế được coi là quà Noel sớm với thị trường, khi Fed giảm mức độ tăng lãi suất.

Dự báo của Fed

CPI tháng 11/2022 của Mỹ ghi nhận tăng 0,1% so với tháng 10 và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này thấp hơn so với dự đoán của các chuyên gia, đồng thời là tín hiệu lạc quan cho thấy lộ trình chính sách ứng phó với lạm phát của Mỹ đang cho kết quả khả quan. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tháng 11 tăng 0,2% so với tháng 10 và tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi dự báo ở mức tương ứng là 0,3% và 6,1%.

Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, cơ quan thiết lập chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,5%, lên 4,25 - 4,5%/năm, chấm dứt mức tăng 0,75% trong 4 đợt tăng liên tiếp trước đó.

Lãi suất hiện chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2007 - ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và Fed khi đó đang mạnh tay nới lỏng chính sách để ứng phó với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái. Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed tăng lãi suất trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào năm 2023.

FOMC cho biết, việc tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu là phù hợp để duy trì lập trường kiềm chế lạm phát. Cơ quan này dự báo, lãi suất sẽ đạt 5 - 5,25%/năm vào cuối năm 2023, sau đó thực hiện các đợt hạ lãi suất xuống mức 4,1% vào cuối năm 2024, mức 3,1% vào năm 2025 và cuối cùng chạm mục tiêu dài hạn là 2,5%.

Nhìn lại năm 2022, Fed đã có 7 lần tăng lãi suất trong nỗ lực giảm bớt nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang, với các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như nhà ở lao đao vì chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương. Tốc độ tăng lãi suất đã giảm, nhưng nhiều nhà kinh tế vẫn lo ngại rằng, sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm lại ở nước ngoài và những tác động chưa thể hiện của việc tăng lãi suất sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái, nếu Fed không giảm bớt áp lực lên nền kinh tế.

FOMC đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023, dự kiến ở mức 0,5%, bằng với triển vọng năm 2022. Ở dự báo hồi tháng 9/2022, cơ quan này dự kiến, GDP năm nay tăng 0,2% và năm tới tăng 1,2%.

Ngoài ra, FOMC nâng dự đoán CPI lõi lên 4,8%, cao hơn 0,3% so với dự đoán hồi tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tăng lên mức 4,6% trong năm 2023, từ mức 3,7% hiện nay. Đó là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức thường thấy trong các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ.

Fed cũng dự báo, lạm phát ở Mỹ sẽ cao hơn mức mục tiêu 2% ít nhất là cho tới cuối năm 2025 và đến cuối năm 2023 vẫn trên 3%.

Kỳ vọng của thị trường

Từ đầu năm 2022 đến nay, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã có 260 đợt tăng lãi suất, hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đầu đà tăng này là Fed, với 7 lần tăng. Tuy nhiên, thị trường lại dự đoán tích cực hơn. Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định, đến quý II/2023, Fed sẽ hoàn tất việc nâng lãi suất.

“Với lạm phát tiếp tục suy yếu và chính sách tài khoá có khả năng giữ nguyên, Fed có thể sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt trong đầu năm sau và đến cuối năm 2023, lạm phát có thể bắt đầu được khống chế”, báo cáo của JPMorgan Chase viết. Ngân hàng này dự báo, Fed sẽ có thêm 2 đợt nâng lãi suất, mỗi đợt tăng 0,25% trong quý I/2023.

Đồng quan điểm, ông Alex Pelle, chuyên gia kinh tế của Mizuho USA nói: “Khi hướng tới năm 2023, Fed sẽ có xu hướng điều chỉnh mức tăng lãi suất xuống chỉ còn 0,25% mỗi lần. Điều đó sẽ xảy ra nếu như lạm phát có xu hướng giảm tích cực như hiện nay”.

Dù vậy, quãng thời gian bình quân kể từ khi lãi suất đạt đỉnh cho tới khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất ước tính là 11 tháng. Điều này có nghĩa, ngay cả khi Fed dừng tăng lãi suất, lãi suất quỹ liên bang vẫn có thể giữ ở mức cao sang năm 2024.

Tin bài liên quan