Các doanh nghiệp được đánh giá có năng lực quản trị tốt đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt

Các doanh nghiệp được đánh giá có năng lực quản trị tốt đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt

Quản trị công ty cần vượt lên sự tuân thủ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chương trình bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2020 có 3 nội dung: đánh giá, bình chọn báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững và hoạt động quản trị công ty. Việc đánh giá, bình chọn nội dung quản trị công ty theo bộ tiêu chí riêng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc quản trị công ty của OECD và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Với tư cách là thành viên tham gia Hội đồng đánh giá và bình chọn, tác giả bài viết đánh giá về năng lực quản trị công ty qua các tiêu chí bình chọn và nêu những giải pháp cần thiết để các doanh nghiệp niêm yết nâng cao hoạt động này.

Đánh giá năng lực quản trị công ty qua báo cáo tài chính

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Để tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh, các lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm tăng doanh thu, tiết giảm chi phí và tăng lợi nhuận trong ngắn hạn, mà đã từng bước tập trung nâng cao năng lực quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực quản trị công ty để đảm bảo khai thác một cách hiệu quả mọi nguồn lực của doanh nghiệp, tạo giá trị bền vững trong dài hạn, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, các nguồn nhân lực, trí lực, tài lực của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, nhận thức về vai trò của quản trị công ty, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày càng được quan tâm.

Kết quả đánh giá và bình chọn về chất lượng quản trị công ty năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí đã xác định cho thấy, các công ty có điểm số cao về chất lượng quản trị công ty đều là các doanh nghiệp có báo cáo thường niên có nội dung đầy đủ, phong phú, có nhiều thông tin hữu ích, tin cậy, trình bày theo chuẩn mực kế toán, chuẩn mực báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế và quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam. Hình thức báo cáo và phương thức trình bày các chỉ tiêu trên báo cáo rõ ràng, hấp dẫn.

Qua báo cáo tài chính đã được xác nhận bởi kiểm toán độc lập, có thể thấy, các báo cáo thường niên được bình chọn và các doanh nghiệp được đánh giá có năng lực quản trị tốt đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, thể hiện qua các chỉ tiêu về khả năng sinh lời trên vốn, trên tài sản (ROE, ROA), tình trạng tài chính của doanh nghiệp được thể hiện qua các chỉ tiêu công nợ và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp, kể cả hệ số khả năng thanh toán tổng quát, thanh toán hiện thời, thanh toán nhanh và thanh toán tức thời ở thời điểm lập báo cáo tài chính.

Những thông tin trên báo cáo tài chính trong báo cáo thường niên đều được trình bày đúng quy định, tôn trọng các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính. Số liệu và thông tin trình bày trên báo cáo tài chính được kiểm tra, đánh giá và xác nhận bởi các kiểm toán viên độc lập và công ty kiểm toán độc lập. Vì vậy, các thông tin trên báo cáo tài chính nhìn chung có mức độ tin cậy cần thiết.

Kết quả bình chọn báo cáo thường niên, đánh giá năng lực quản trị công ty đã thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa năng lực quản trị công ty và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong môi trường kinh doanh tương đối bình đẳng, với phạm vi điều kiện về nguồn lực tương đương, quản trị công ty tốt sẽ phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy huy động tốt các nguồn vốn từ bên ngoài, từ nền kinh tế và duy trì được tốc độ tăng trưởng vững chắc về doanh thu và lợi nhuận, hạ thấp và tiết giảm chi phí, hao phí, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh.

Ngược lại, năng lực quản trị không tốt sẽ không khai thác được, thậm chí làm suy giảm những nguồn lực đã có, dẫn đến tổn thất và làm giảm giá trị doanh nghiệp, giảm uy tín, thương hiệu, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, các cổ đông và khách hàng. Đặc biệt, năng lực quản trị không tốt có thể làm giảm hiệu quả kinh doanh, thu hẹp hoặc đánh mất thị trường có sẵn và thị trường tiềm năng.

Qua bình chọn có thể nhận thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp niêm yết đã tuân thủ các quy định liên quan đến việc xây dựng quy chế quản trị nội bộ, chú trọng hơn đến nâng cao năng lực quản trị, tăng cường và có chính sách quản trị rủi ro. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin kinh tế - tài chính định kỳ và bất thường theo quy định.

Rất nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tuân thủ khung quản trị công ty quy định tại Luật Doanh nghiệp, các quy định cụ thể của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty, quy định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về niêm yết và giám sát niêm yết.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thành viên hội đồng quản trị độc lập để tham gia các tiểu ban trực thuộc hội đồng quản trị cũng như tham gia ban điều hành. Điều đó dẫn đến sự thiếu tính độc lập giữa một bên đề xuất (ban điều hành) và một bên thẩm định cho hội đồng quản trị (các tiểu ban). Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực quản trị công ty.

Không ít doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thành viên hội đồng quản trị độc lập

Không ít doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thành viên hội đồng quản trị độc lập

Một số giải pháp nhằm vượt lên sự tuân thủ và thông lệ

Từ thực tế đánh giá và bình chọn doanh nghiệp niêm yết có năng lực quản trị tốt năm 2020 đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải có những giải pháp mang tính đồng bộ để nâng cao năng lực quản trị công ty. Doanh nghiệp cần vượt lên sự tuân thủ và những thông lệ, những cách làm hiện nay để nâng cao năng lực quản trị công ty.

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò và nguyên tắc quản trị công ty. Cần thống nhất về mặt nhận thức từ phía các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nhà nước. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị công ty, làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho quá trình thực hành quản trị. Cơ quan quản lý cần tăng cường công tác truyền thông về vai trò của quản trị công ty. Đồng thời, cung cấp đầy đủ, thường xuyên các nguồn thông tin, tài liệu để các doanh nghiệp có thể tiếp cận, truy cập dễ dàng, đặc biệt là thông tin về luật pháp, chính sách, môi trường kinh doanh và thông tin về thị trường cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tổ chức thường xuyên, liên tục các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt cho các lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là thành viên hội đồng quản trị để họ nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty và đưa các mô hình, hệ thống quản trị tiêu chuẩn áp dụng vào thực tiễn tại doanh nghiệp.

Khi nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, các nhà lãnh đạo sẽ hướng doanh nghiệp đi theo và tuân thủ những nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất. Với năng lực quản trị công ty tốt, doanh nghiệp sẽ tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường và thực hiện tốt hơn việc tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời làm giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan đến doanh nghiệp.

Hai là, cơ quan quản lý cần hướng dẫn phương thức và chuẩn mực, tiêu chí quản trị công ty, đồng thời tăng cường giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát tuân thủ quản trị công ty đối với các doanh nghiệp niêm yết. Mặt khác, chủ động, thường xuyên rà soát các quy định về quản trị công ty, các quy định về niêm yết và giám sát niêm yết nhằm nâng cao hiệu quả giám sát việc tuân thủ các quy định về quản trị công ty đối với các công ty niêm yết. Hơn nữa, cơ quan quản lý cần sớm triển khai áp dụng các chế tài cụ thể đối với doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chưa xây dựng lộ trình thực hiện theo các chuẩn mực quản trị công ty tốt, từ đó đảm bảo tính hiệu lực của quy định trên thực tế và tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị công ty.

Ba là, các doanh nghiệp cần sớm áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong việc lập và trình bày các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên. IFRS là điều kiện để đảm bảo các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trong công tác lập báo cáo tài chính. Việc áp dụng IFRS làm tăng tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả cho các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Đồng thời, IFRS vun đắp lòng tin, hỗ trợ sự tăng trưởng và ổn định tài chính dài lâu trong nền kinh tế toàn cầu.

Bộ Tài chính đã ban hành Đề án áp dụng IFRS ở Việt Nam, theo đó, từ năm 2021 bắt đầu áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện và từ năm 2024 - 2025 áp dụng bắt buộc đối với các doanh nghiệp thuộc một số loại hình. Các doanh nghiệp niêm yết sẽ là đối tượng áp dụng IFRS cùng các công ty đại chúng.

Hiện có không ít ngân hàng, doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng IFRS trong lập và trình bày báo cáo tài chính. Việc áp dụng IFRS giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp và nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính.

Đáng chú ý, các báo cáo tài chính lập theo IFRS được cộng đồng quốc tế thừa nhận là một trong các tiêu chí để được công nhận nền kinh tế thị trường. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường vốn quốc tế, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước, đồng thời giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong điều kiện còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, việc áp dụng IFRS đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp. Trước mắt, cơ quan quản lý cần thực hiện công tác truyền thông rộng rãi về vai trò, nội dung của IFRS, cung cấp các nguồn thông tin, tài liệu để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên biệt cho các kế toán trưởng, kế toán viên chuyên nghiệp, cho lãnh đạo doanh nghiệp để họ nhận thức được tầm quan trọng của việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS và đưa ra các mô hình, phương thức áp dụng IFRS trên thực tiễn tại doanh nghiệp.

Bốn là, các doanh nghiệp niêm yết cần gắn kết mục tiêu quản trị công ty với mục tiêu phát triển bền vững. Các doanh nghiệp, trước hết là các công ty niêm yết mà Nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối cần có lộ trình và giải pháp cụ thể để đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu thành viên hội đồng quản trị độc lập theo luật định. Năng lực hoạt động của các tiểu ban thuộc hội đồng quản trị cần được nâng cao để phát huy vai trò tư vấn, tham mưu của bộ phận này, góp phần nâng cao năng lực quản trị của hội đồng quản trị.

Năm là, các doanh nghiệp niêm yết cần chủ động áp dụng các công cụ để nâng cao chất lượng tuân thủ chuẩn mực quản trị công ty. Việc áp dụng công cụ Thẻ điểm quản trị công ty sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận được điểm yếu, những tồn tại trong quản trị để xác định các vấn đề có thể cải thiện ngay và trong kế hoạch dài hạn.

Sáu là, áp dụng công nghệ số, quản lý bằng công nghệ số, thanh toán điện tử. Trong bối cảnh khởi phát của cách mạng công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ số thì đây là một biện pháp nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt trong việc quản trị tài chính. Các giám đốc tài chính, kế toán trưởng cần có kế hoạch sử dụng các dịch vụ quản lý số, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử, IoT, blockchain, bigdata để nâng cao chất lượng hoạt động, tiết kiệm chi phí.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp còn e ngại việc thanh toán điện tử do những vấn đề liên quan tới an ninh mạng. Tuy nhiên, không ít ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các hệ thống công nghệ để giúp kết nối nhanh với khách hàng và giảm rủi ro so với phương thức thanh toán truyền thống.

Kinh tế số là một xu thế toàn cầu của thời đại công nghệ 4.0, là cơ hội và cũng là thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành khung pháp lý về chuyển đổi số riêng với ngân hàng số, ví điện tử, cổng thanh toán số… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn trong việc ứng dụng công nghệ vào quản trị tài chính, hướng tới chuẩn hóa hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bảy là, các doanh nghiệp cần khẩn trương triển khai áp dụng kiểm toán nội bộ theo quy định của Luật Kế toán và quy định của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ, thiết lập và vận hành hệ thống kiểm toán nội bộ, hình thành cơ chế quản trị rủi ro.

Trước hết, doanh nghiệp cần tạo lập môi trường kiểm soát nội bộ hiện hữu và có hiệu lực với những quy chế quản lý nội bộ, những quy trình nghiệp vụ, đảm bảo hệ thống thông tin nội bộ tin cậy và thông suốt; thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ và đảm bảo tính độc lập tương đối của hoạt động này theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tạo lập một cơ chế quản trị thống nhất và xuyên suốt để kiểm soát, giám sát hoạt động doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, góp phần đảm bảo lợi ích của cổ đông và sự hài hòa với lợi ích của các bên liên quan bao gồm cổ đông, khách hàng, người lao động và cộng đồng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp trên, chất lượng và năng lực quản trị công ty sẽ được nâng cao, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được tăng cường. Đảm bảo sự tuân thủ, áp dụng những thông lệ tốt nhất về quản trị kinh doanh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường - một thị trường cạnh tranh, mở cửa và hội nhập. Đây cũng sẽ là cơ sở để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác hơn năng lực quản trị công ty, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan