Quảng Bình - Quảng Trị sớm sắp xếp cán bộ cấp xã để không gián đoạn hành chính công

0:00 / 0:00
0:00
Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị cho biết vừa ban hành Kết luận tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập được đặt tại TP. Đồng Hới hiện nay. Ảnh: Ngọc Tân

Trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập được đặt tại TP. Đồng Hới hiện nay. Ảnh: Ngọc Tân

Theo nội dung Kết luận, trong thời gian tới, thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo chủ chốt thường xuyên trao đổi, thống nhất giữa hai tỉnh về nguyên tắc, phương án bố trí cán bộ cấp xã sau sắp xếp, thành lập mới. Trong đó, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương... để triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

Xác định cán bộ lãnh đạo hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay sẽ là nòng cốt tại các phường, xã mới. Phấn đấu cơ bản bí thư xã, phường không là người địa phương. Bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã, phường đúng vị trí, đúng quy định, bảo đảm trình độ, năng lực, phẩm chất và triển vọng phát triển. Ưu tiên cán bộ khoa học, công nghệ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số...

Bên cạnh đó, việc sắp xếp cán bộ cấp xã phải hoàn thành trước ngày 1/7/2025, bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp.

Có phương án sàng lọc, tinh giản và phân công, điều động cán bộ hợp lý theo nguyên tắc “có vào, có ra; có lên, có xuống”, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với hiệu quả công việc. Nghiên cứu bố trí một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành cấp tỉnh còn trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực... để tăng cường cho cấp xã, phường.

Trong thời gian chuyển tiếp, phải duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm mọi nhiệm vụ vẫn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Ban Chỉ đạo giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập Đảng bộ tỉnh Quảng Bình và Đảng bộ tỉnh Quảng Trị.

Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy sau khi sắp xếp nhiệm kỳ 2020-2025; giới thiệu nhân sự chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND dân tỉnh, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chỉ đạo cũng giao Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Bình lãnh đạo và phối hợp Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Trị lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn hai tỉnh và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án bố trí sử dụng tiếp, phương án xử lý trụ sở dôi dư bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.

Nghiên cứu thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 1 cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn. Rà soát, chuẩn bị nhà ở công vụ cho cán bộ ở tỉnh Quảng Trị hiện nay ra công tác tại Đồng Hới.

Căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của bộ máy chính quyền mới sau khi hợp nhất, trong trường hợp cần thiết, một số cơ quan, đơn vị có thể nghiên cứu bố trí một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay nhằm bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát đội ngũ cán bộ; tổng hợp nhu cầu và động viên cán bộ còn tuổi công tác dưới 5 năm nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi...

Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị cho biết, ở thời điểm này, khối lượng công việc hiện rất lớn, thời gian thì không nhiều, trong khi yêu cầu của Trung ương rất cao và nhân dân hai tỉnh rất trông đợi.

“Ban Chỉ đạo cần đồng thuận, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng. Mọi công việc liên quan đều sẽ được trao đổi, bàn bạc và lấy ý kiến hai tỉnh trước khi ban hành để tạo sự thống nhất và thuận lợi trong triển khai thực hiện”, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.

Theo Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị, tỉnh mới sau sắp xếp có diện tích hơn 12.700 km2, dân số trên 1,8 triệu người. Tỉnh mới thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, vị trí phía Bắc giáp Hà Tĩnh, phía Nam giáp TP. Huế, phía Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Đông giáp biển. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị mới sẽ đặt tại vị trí TP. Đồng Hới hiện nay.

Tin bài liên quan