Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là định hướng quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Tân

Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là định hướng quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Tân

Quảng Bình quy hoạch hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Phát huy tiềm năng, lợi thế, Quảng Bình đã và đang tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là những công trình có vai trò kết nối, liên kết vùng để tạo sức hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư vào hạ tầng giao thông trọng điểm

Là điểm tựa của “chiếc đòn gánh” miền Trung gánh hai đầu đất nước, Quảng Bình có vị trí cực kỳ quan trọng trên trục giao thông Bắc - Nam. Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận định: “Quảng Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp, nhưng cũng có một số ‘điểm yếu’ nổi bật, đó là xa các trung tâm phát triển lớn, thiếu hạ tầng kết nối đúng tầm để lan tỏa, dẫn dắt phát triển”.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, trong bối cảnh mới hiện nay, nếu tiếp tục phát triển theo mô thức cũ, Quảng Bình sẽ khó bứt phá, khó tạo sự xoay chuyển. Do vậy, tỉnh cần có cách tiếp cận phát triển mới, trên cơ sở tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Một trong những định hướng dài hạn mà PGS-TS. Trần Đình Thiên góp ý cho Quảng Bình là tập trung nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để hình thành tuyến liên kết phát triển vùng “chặt chẽ và mạnh mẽ; gắn trước hết với trục xuyên suốt là du lịch, với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế - là những đối tác chủ lực”.

Để phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại sẽ vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới.

- Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Có thể thấy, Quảng Bình là địa phương hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông quan trọng. Cụ thể, Quảng Bình nằm trên các tuyến giao thông chính của trục Bắc - Nam, như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh… Cùng với đó, Quảng Bình còn có sân bay Đồng Hới (đang được quy hoạch nâng công suất lên 3 triệu lượt khách/năm) và hệ thống cảng biển (Hòn La, Nhật Lệ, cảng Gianh).

Nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phát huy các thế mạnh nội tại, Quảng Bình đang đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển dài 76 km với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn có một dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được đầu tư xây dựng, đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tại Quảng Bình, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gồm 3 dự án thành phần, với tổng chiều dài 126 km, đi qua các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới.

“Quảng Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố tiềm năng và đang tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua tỉnh càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo sự đột phá và là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”, ông Thắng khẳng định.

Liên kết không gian kinh tế từ hạ tầng giao thông

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Bình tiếp tục định hướng tăng cường mở rộng kết nối vùng thông qua việc phát triển thêm một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng.

Trong đó, hệ thống đường cao tốc trong tương lai sẽ bao gồm trục cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai và tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cha Lo (Quảng Bình) dài 89 km.

Về hệ thống đường sắt, ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay, sẽ có thêm các tuyến đường sắt mới như Vũng Áng - Mụ Gia - Thà Khẹc (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030); tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2031 - 2040).

Hệ thống đường quốc lộ sẽ bao gồm 9 tuyến: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 12A, 12C, 15, 9E, 9B, 9C, 9G. Đối với hệ thống đường tỉnh lộ, toàn tỉnh sẽ có tổng cộng 31 tuyến và đường ven biển gồm 8 tuyến (tổng chiều dài khoảng 137 km).

Về hệ thống cảng biển, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, cảng biển Quảng Bình thuộc Nhóm cảng biển số 2, là cảng biển loại II, gồm các khu bến: Khu bến Hòn La, Khu bến Mũi Độc - chuyên dùng phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Cảng cạn Hòn La (dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030 hoặc sau năm 2030 để kết nối với cảng biển Hòn La); Khu bến Sông Gianh và một số khu neo đậu tránh, trú bão khác…

Về đường hàng không, phương án phát triển Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không quốc nội, có hoạt động bay quốc tế. Khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ được xem xét trở thành cảng hàng không quốc tế; sân bay cấp 4C; xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu lượt khách/năm…

Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ những ưu tiên phát triển của tỉnh, trong đó có 3 hành lang kinh tế, cũng là định hướng liên kết không gian đối với các hoạt động kinh tế - xã hội thông qua các tuyến giao thông.

Thứ nhất, là hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển và cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là trục đô thị hóa theo hành lang phát triển Bắc - Nam ở phía Đông của tỉnh (hành lang Quốc lộ 1A, hành lang đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc dự kiến và hành lang ven biển) kết nối các đô thị hạt nhân.

Thứ hai, là hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La. Đây là trục được hình thành chủ yếu trên cơ sở của Quốc lộ 12A trên địa bàn thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa; phía Tây là Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và phía Đông là Khu kinh tế Hòn La, gắn với cảng biển Hòn La, kết nối với cảng Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh.

Thứ ba, là hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Ông Trần Thắng cho biết, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, có đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, đường không, đường hàng hải, đường thủy nội địa, kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực.

“Đây là những bước đột phá quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Tuy vậy, để phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại sẽ vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới”, ông Trần Thắng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan