Hiện đã có 5 chủ mỏ, điểm khai thác cát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thông báo giá cát.

Hiện đã có 5 chủ mỏ, điểm khai thác cát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thông báo giá cát.

Quảng Ngãi: Vì sao giá cát niêm yết tại các mỏ tăng cao?

0:00 / 0:00
0:00
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá cát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tăng cao so với các năm trước, dù có nhiều mỏ cát được cấp phép, là giá trúng đấu giá cao, theo các doanh nghiệp.

Giá cát tăng "phi mã"

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này, đã nhận thông báo giá bán của 5 chủ mỏ, điểm khai thác cát trên địa bàn.

Cụ thể, giá bán tại các mỏ (chưa tính thuế VAT) lần lượt tại Mộ Đức của Công ty Quốc Tiến là 181.818 đồng/m3 cát; tại mỏ ở huyện Nghĩa Hành của Công ty Vương Thắng là 313.636 đồng/m3; tại mỏ ở TP. Quảng Ngãi của Công ty Khoáng sản Quảng Ngãi là 324.159 đồng/m3 cát; tại mỏ Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa của Công ty T&H Gia Lai là 326.623 đồng/m3 cát và tại thị xã Đức Phổ của Công ty Phú Mỹ Á là 345.455 đồng/m3.

Trong khi đó, một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên thi công các công trình xây dựng ở Quảng Ngãi cho biết, công ty đang thi công 4 công trình lớn ở tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có 2 công trình dân dụng, nên cần lượng cát rất lớn.

Hiện nay, giá cát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tăng theo từng năm. Nếu như trước năm 2020, giá cát chỉ khoảng 100.000 đồng/m3, thì hiện tại, công ty phải mua giá trên 320.000 đồng/m3.

“Giá cát tăng nhanh khiến công trình đội vốn lên rất nhiều khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Trong khi đó, Quảng Ngãi là địa phương có trữ lượng cát rất lớn, vì vậy, cơ quan chức năng cần điều tiết giá cát xuống thấp hơn, để cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua cát xây dựng bớt khó khăn”, lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng đề xuất.

Theo số liệu của Sở Xây dựng, dự kiến nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu xây dựng 3 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 452.497 m3, trong đó nhiều nhất là ở các Ban quản lý dự án với nhu cầu khoảng 390.000 m3.

Cát tăng do đấu giá?

Ông Đỗ Minh Hiên, Giám đốc Công ty T&H Gia Lai – Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị trúng đấu giá mỏ cát An Tráng, ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa và đã nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản gần 33 tỷ đồng.

Mỏ cát An Tráng có quy mô 7,72 ha; trữ lượng khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng hơn 171.000 m3; khoáng sản đi kèm là sỏi, sạn làm vật liệu xây dựng thông thường khoảng 22.000 m3.

Ông Đỗ Minh Hiên lý giải nguyên nhân giá cát tăng cao hơn các năm là do tiền đầu tư để đấu giá thành công mỏ cát rất cao, đồng thời, công ty phải tốn thêm các khoảng chi phí như tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, phí thẩm định, phí thăm dò, phí đánh giá tác động môi trường, thủ tục cấp phép, nâng cấp đường…

“Đấu giá cao, nên giờ phải dựa trên giá đó kết hợp với trữ lượng thăm dò và các chi phí khác để tính toán kỹ lưỡng mới có giá niêm yết đó chứ không phải doanh nghiệp muốn đưa giá bao nhiêu thì đưa. Do đó, việc giá cát tăng cao là điều tất yếu. Đơn vị cũng có trình cho Sở Xây dựng về việc đưa ra mức giá cát tại mỏ”, ông Hiên chia sẻ.

Trong thông báo mà doanh nghiệp chủ mỏ, điểm khai thác đã gửi cho cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, giá cát bán thấp nhất là 181.818 đồng/m3 và cao nhất hơn 345.455 đồng/m3. Theo báo giá này, giữa các mỏ và điểm bán chênh nhau gần 164.000 đồng/m3 cát.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, hiện nay ở Quảng Ngãi đã có 5 mỏ cát đi vào hoạt động thương mại. Nguyên nhân giá cát tăng cao vì phải thông qua đấu giá. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, doanh nghiệp đấu giá cao thì buộc phải bán giá cao mới có lợi nhuận.

Cách đây vài tháng, tình trạng cát khan hiếm, giá bán tăng cao, nên UBND tỉnh quy định phải kê khai giá bán cát, nhưng hiện đã có nhiều mỏ cát thương mại đi vào hoạt động, không còn xảy ra khan hiếm cát, nên hiện Sở Tài chính đã tham mưu lên UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các chủ mỏ cát thương mại không phải kê giá, vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi thông qua.

Tin bài liên quan