Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ sáu: Tập trung gỡ khó cả trước mắt và lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội bắt đầu kỳ họp mới bộn bề công việc, đòi hỏi những quyết sách vừa gỡ các điểm nghẽn trước mắt, vừa phải hướng đến các mục tiêu chiến lược.
Các chính sách dồn lực cho tăng trưởng liên quan tới thúc đẩy đầu tư, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu… sẽ là một trong những ưu tiên trong các quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp lần này. Trong ảnh: Giao thương hàng hóa qua Cảng Tân Vũ. Ảnh: Đức Thanh

Các chính sách dồn lực cho tăng trưởng liên quan tới thúc đẩy đầu tư, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu… sẽ là một trong những ưu tiên trong các quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp lần này. Trong ảnh: Giao thương hàng hóa qua Cảng Tân Vũ. Ảnh: Đức Thanh

Dồn lực cho tăng trưởng

Thông qua 9 luật, cho ý kiến 8 luật khác, xem xét hàng chục báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách, tư pháp, giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn… là khối lượng công việc đồ sộ mà Quốc hội “gói” trong 22 ngày.

Trong bối cảnh dự báo 5/15 chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 không thể về đích, trong đó GDP ước chỉ tăng 5% (mục tiêu 6,5%), thì đương nhiên, các chính sách dồn lực cho tăng trưởng sẽ là một trong những ưu tiên trong các quyết sách của Quốc hội.

Chính phủ đã trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý trình Quốc hội một số nội dung nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn trước mắt, như kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024; thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Chính phủ còn đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, trong đó, thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí trình Quốc hội quyết định.

Bên cạnh báo cáo kinh tế, xã hội năm nay và dự kiến kế hoạch năm 2024, được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội còn có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026, loạt báo cáo kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay - trả nợ công.

Qua đây, những mặt mạnh và hạn chế của giai đoạn vừa qua cũng sẽ được đánh giá để thời gian tới, nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn, khoảng cách từ chính sách đến thực thi sẽ ngắn hơn.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, để tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn. Đây là công việc cho cả trước mắt và lâu dài.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc đến khuya với các bên liên quan của cả Quốc hội và Chính phủ. Điều đáng mừng, theo Chủ tịch Quốc hội, là chưa có gì đến mức độ “cháy nhà chết người” phải làm khẩn cấp theo hướng phải có một luật sửa nhiều luật hoặc phải sửa ngay. Và hầu hết những vấn đề bất cập được phát hiện thì Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có hướng xử lý.

Trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vừa phải giải quyết những vấn đề cấp bách, điểm nghẽn trước mắt, nhưng vừa phải hướng đến các mục tiêu chiến lược lâu dài. “Giai đoạn này, tập trung củng cố, hoàn thiện thể chế, các nền tảng để nền kinh tế sớm thoát đáy. Đã qua giai đoạn khó khăn nhất hay khó khăn còn ở phía trước thì phải nhận định, đánh giá kỹ, nhưng quyết tâm phải đẩy lên. Muốn đẩy lên được sớm, giai đoạn này phải chuẩn bị những vấn đề nền tảng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Còn đó những “điểm nghẽn”

Nhận diện đầy đủ, đánh giá khách quan, sâu sắc cả mặt được và chưa được của nền kinh tế, từ đó mới có thể có được giải pháp phù hợp cho cả trước mắt và lâu dài. Thế nhưng, có những vấn đề đã được nhận diện từ rất lâu, nhưng vẫn chưa thấy lối ra khả dĩ và đang chờ Quốc hội “ra tay”.

Chẳng hạn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã thành điệp khúc buồn tại nghị trường. Một thực tế được nêu đi, nêu lại tại báo cáo của Chính phủ là “Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn. Còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao, làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại”.

Một nguyên nhân dẫn đến hạn chế cũng được nêu đi, nêu lại là xuất phát từ quan điểm, nhận thức.

Cụ thể, đó là tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất, dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, như vấn đề vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trao quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước, sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết kinh tế...

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên họp tháng 10/2023, Chủ tịch Quốc hội “đề nghị Chính phủ rà soát lại, xem có vướng mắc gì về nhận thức hay không mà cổ phần hóa trong thời gian gần đây hầu như không có tiến triển gì”.

Nêu lại ý kiến cho rằng, đang làm ăn có lãi thì việc gì phải cổ phần hóa, ông Huệ khẳng định, như thế là “trật” Nghị quyết Trung ương 12.

“Nghị quyết Trung ương 12 nói rõ, cổ phần hóa cả những tập đoàn, tổng công ty đang có hiệu quả, nhưng Nhà nước không cần phải nắm giữ vốn”, ông Huệ nhấn mạnh.

Nêu ví dụ trong ngành bia, sữa, Chủ tịch Quốc hội nói, Nhà nước không cần nắm nhiều, trước đây đã thoái vốn, thế nhưng “bây giờ 36% của Nhà nước to hơn cả 100% trước đây, nhất là chỗ sữa Vinamilk, bia Sabeco”.

Như vậy, theo ông Huệ, sẽ rất khó để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, rất khó cho huy động vốn dài hạn.

“Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ cấu có hàng mấy trăm ngàn tỷ đồng tiền thu từ cổ phần hóa, nhưng không có thì làm sao đủ tiền để đầu tư được”, Chủ tịch Quốc hội sốt ruột.

Cũng rất cần được quan tâm đánh giá kỹ hơn, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, là một số vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, với hai “điểm nhấn” là gói hỗ trợ lãi suất 2% và cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém.

Theo cơ quan của Quốc hội, việc chậm triển khai giải ngân gói hỗ trợ lãi suất đã bỏ lỡ cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phân tích nguyên nhân cụ thể hơn, trong đó, theo khảo sát doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách này.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, quá trình triển khai rất quyết liệt, khẩn trương, nhanh chóng, nhưng nhiều khách hàng không đáp ứng điều kiện hoặc không có nhu cầu.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước lại chỉ ra rằng, công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, trong khi nhiều ngân hàng thương mại thiếu chủ động, chưa tích cực triển khai chính sách.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm chính sách hỗ trợ lãi suất 2%) là nội dung Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội ở kỳ họp này. Khi đó, nguyên nhân một chính sách rất tốt, nhưng lại thất bại sẽ không chỉ là bài học riêng cho việc triển khai thực hiện một chính sách cụ thể nào.

Tin bài liên quan