Quỹ bảo vệ NĐT: Nỗi niềm của CTCK

Quỹ bảo vệ NĐT: Nỗi niềm của CTCK

(ĐTCK) Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc lập Quỹ bảo vệ NĐT, một số CTCK lại tỏ ra thận trọng trong việc thúc đẩy quy định này thành hiện thực.

> Quỹ bảo vệ NĐT, 5 năm tồn tại trên... giấy

Lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cùng gần 10 CTCK mà ĐTCK tìm hiểu đều cho rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần sớm có hướng dẫn CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT. Tuy nhiên, hướng dẫn này cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố để đảm bảo tính khả thi.

Từ nhu cầu khách quan

Ngoài mong muốn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, nhiều CTCK muốn lập Quỹ bảo vệ NĐT, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho cả CTCK lẫn khách hàng của mình.

Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCK Âu Việt chia sẻ, thời gian qua, NĐT chịu khá nhiều rủi ro trong đầu tư, nhất là khi phát sinh tình huống xung đột lợi ích với CTCK. Do thiếu quy định pháp lý để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, nên NĐT thường là đối tượng chịu nhiều thua thiệt. Khi xảy ra điều không mong muốn này, bản thân các CTCK rất khó xử, bởi có muốn hỗ trợ NĐT giảm thiểu thiệt hại về vật chất cũng không dễ, khi không biết lấy nguồn nào để xử lý những nội dung này. Thực tế, khi xuất kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho NĐT, CTCK không biết hạch toán khoản chi phí này vào đâu, không biết giải trình với cổ đông thế nào…

“Bởi vậy, để gia tăng niềm tin của NĐT vào thị trường, đồng thời tạo thuận lợi cho các CTCK phục vụ khách hàng tốt hơn, cơ quan quản lý cần hoàn thiện các biện pháp bảo vệ NĐT theo thông lệ quốc tế, trong đó, ưu tiên sớm có hướng dẫn các CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT...”, ông Vịnh đề nghị.

Quỹ bảo vệ NĐT: Nỗi niềm của CTCK ảnh 1

Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết cho biết, ông cũng ủng hộ việc sớm có hướng dẫn các CTCK phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT. Với quy định rất chung chung hiện tại, các CTCK có muốn trích lập quỹ cũng không được, bởi việc này triển khai theo phương thức nào, có được kiểm toán và cổ đông chấp thuận không…? Thực ra, việc trích lập Quỹ bảo vệ NĐT là gia tăng gánh nặng, thậm chí là sức ép đối với CTCK. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngày càng chuyên nghiệp của thị trường, cũng như mức độ cạnh tranh giữa các CTCK ngày một gay gắt hơn, thì việc xử lý mối quan hệ giữa CTCK với khách hàng, nhất là khi phát sinh xung đột lợi ích, cũng cần được chuyên nghiệp hóa. Việc lập Quỹ bảo vệ NĐT là cách để gia tăng tính chuyên nghiệp này. Đây là nhu cầu của CTCK, của nhà đầu tư và xu hướng khách quan trong sự phát triển của TTCK.

 

… đến những băn khoăn

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc lập Quỹ bảo vệ NĐT, một số CTCK lại tỏ ra thận trọng trong việc thúc đẩy quy định này thành hiện thực, bởi nhiều lý do. Theo giám đốc kiểm soát nội bộ một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài, trích lập Quỹ bảo vệ NĐT là việc cần làm, nhưng hướng dẫn việc lập quỹ ra sao để đảm bảo tính khả thi là không đơn giản. Thông thường, CTCK chỉ được sử dụng lợi nhuận sau thuế để trích các quỹ, trong đó, Quỹ bảo vệ NĐT cũng không phải là ngoại lệ. Điều này có nghĩa là, nếu trích Quỹ, “miếng bánh” lợi nhuận mà cổ đông được hưởng sẽ bé đi. Thực tế này khiến CTCK không dễ nhận được sự đồng thuận từ phía cổ đông về trích lập Quỹ, nhất là nếu văn bản hướng dẫn trích lập Quỹ bảo vệ NĐT buộc CTCK phải dành ra một tỷ lệ lợi nhuận để trích lập quỹ.

Để xử lý khó khăn trên, đồng thời vẫn góp phần bảo vệ được NĐT, có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính, UBCK nên có văn bản hướng dẫn buộc CTCK phải thực hiện vế thứ nhất của Khoản 7, Điều 71, Luật Chứng khoán là: CTCK mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán... Khi rủi ro của người hành nghề kinh doanh chứng khoán được bảo hiểm, sẽ góp phần giải quyết vấn đề lợi ích của các bên khi phát sinh tranh chấp giữa NĐT với CTCK, mà thực chất là với người hành nghề kinh doanh chứng khoán. Điểm lợi của phương án này là chi phí mua bảo hiểm được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế, nên dễ nhận được sự ủng hộ của cổ đông hơn là “cấu” vào phần lợi nhuận sau thuế để trích lập Quỹ bảo vệ NĐT.

Để tránh nảy sinh xung đột lợi ích giữa CTCK với cổ đông trong việc lập Quỹ, lãnh đạo một CTCK cho rằng, trong thời gian đầu, muốn khuyến khích các CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT, Bộ Tài chính, UBCK nên quy định theo hướng cho phép các CTCK được sử dụng lợi nhuận trước thuế để trích lập quỹ. Có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần làm rõ, Quỹ bảo vệ NĐT do CTCK quản lý hay do một đơn vị trung gian, chẳng hạn như Trung tâm Lưu ký đứng ra quản lý và vận hành. Nếu Quỹ để tại một đơn vị trung gian, liệu các CTCK có chấp nhận nộp tiền vào Quỹ để các CTCK khác sử dụng vào việc bồi thường thiệt hại cho NĐT do lỗi của họ gây ra không? Còn nếu Quỹ để tại CTCK, thì cơ chế giám sát việc vận hành quỹ này thế nào để việc trích lập và sử dụng Quỹ đảm bảo đúng quy định?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB

VASB ủng hộ việc sớm có hướng dẫn CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT, bởi điều này không chỉ bảo vệ lợi ích cho NĐT, mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro cho CTCK, người hành nghề kinh doanh chứng khoán. Trong quá trình phục vụ NĐT, tranh chấp là điều cả NĐT và CTCK không mong muốn, nhưng nó là hiện tượng khó tránh. Thực tế khách quan này, cũng như thông lệ quốc tế cho thấy, việc CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT là nhu cầu tất yếu. Bởi vậy, Bộ Tài chính nên sớm có hướng dẫn chi tiết để CTCK triển khai.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2011 vẫn giữ nguyên quy định tại khoản 7 Điều 71 của Luật Chứng khoán: CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty... Rõ ràng, nhà làm luật đã thấy được sự cần thiết của việc thiết lập công cụ pháp lý để bảo vệ NĐT. Vấn đề lúc này là hiện thực hóa quy định pháp lý đó như thế nào.

Bài 3: Nhà đầu tư chơi vơi trong nhều cuộc tranh chấp