Tính đến cuối năm 2024, số lượng nhà đầu tư vào các quỹ mở đạt gần 422.900

Tính đến cuối năm 2024, số lượng nhà đầu tư vào các quỹ mở đạt gần 422.900

Quỹ đầu tư cần cú huých chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy mô và mức độ thâm nhập thị trường của các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và so với nhiều nước trong khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đánh giá lại các yếu tố liên quan, từ đó có các giải pháp phù hợp nhằm phát triển hệ thống quỹ đầu tư chuyên nghiệp, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán và nền kinh tế trong dài hạn.

Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư chứng khoán đã ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực trên các khía cạnh chính như số lượng và chủng loại quỹ, giá trị tài sản quản lý, kênh phân phối, số lượng nhà đầu tư tham gia hệ thống quỹ.

Thứ nhất, về số lượng, tại thời điểm cuối năm 2024, tổng số quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đạt 120, gấp hơn 2,1 lần so với con số 57 quỹ cuối năm 2020. Tính đến tháng 3/2025, số lượng các quỹ tăng lên 123 và được quản lý bởi 43 công ty quản lý quỹ. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, cơ cấu các quỹ cũng khá đa dạng khi xuất hiện cả quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ ETF, quỹ bất động sản. Trong đó, quỹ mở và quỹ ETF đóng vai trò quan trọng khi chiếm 67,5% số lượng và 86% tổng giá trị tài sản ròng, nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch.

Ông Phạm Tiến Đạt , Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính

Ông Phạm Tiến Đạt , Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính

Tuy nhiên, số lượng quỹ đầu tư chứng khoán còn hạn chế, nên chỉ có 3,5% hoạt động đầu tư trên thị trường cổ phiếu và 16,7% hoạt động đầu tư trên thị trường trái phiếu được thực hiện qua các quỹ đầu tư chứng khoán, ở mức thấp so với nhiều thị trường trong khu vực. Tỷ lệ tự giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam duy trì ở mức cao, với 85% vào thời điểm cuối năm 2024, trong khi tỷ lệ này ở thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản là khoảng 20%, tại các thị trường trong khu vực như Malaysia, Thái Lan trong khoảng 30 - 40%.

Bên cạnh đó, một số loại hình như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư quốc gia, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ ETF chiến lược, quỹ phát triển xanh chưa phát triển tại Việt Nam; quỹ bất động sản đã được hình thành từ năm 2017, nhưng số lượng đến nay mới chỉ có một.

Thứ hai, về giá trị tài sản ròng. Giá trị tài sản ròng của các quỹ đạt 91.890 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng 41% so với mức gần 57.693 tỷ đồng cuối năm 2020. Điều này phản ánh sự phục hồi tích cực của thị trường quỹ cũng như lòng tin của nhà đầu tư đối với hoạt động đầu tư qua quỹ.

Cơ chế ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư tham gia vào quỹ đầu tư chứng khoán - vốn là công cụ khuyến khích phổ biến tại nhiều quốc gia - hiện vẫn chưa rõ ràng hoặc chưa đủ hấp dẫn.

Tuy nhiên, với giá trị tài sản ròng của các quỹ mở chỉ bằng 6% GDP, quy mô tài chính của các quỹ đầu tư chứng khoán có khoảng cách xa so với nhiều thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ (giá trị tài sản của riêng các quỹ ETF tại Mỹ vào thời điểm cuối năm 2024 đạt 10.600 tỷ USD). Trong khu vực ASEAN, Malaysia và Thái Lan ghi nhận tỷ lệ này lần lượt là 53% và 21% vào năm 2024.

Thứ ba, về hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ, chứng chỉ quỹ mở tại Việt Nam được phân phối bởi nhiều loại hình tổ chức khác nhau. Tại thời điểm cuối năm 2024, có 21 công ty quản lý quỹ, 39 công ty chứng khoán và 6 tổ chức tài chính khác tham gia vào hoạt động này. Trong đó, các công ty quản lý quỹ đóng vai trò quan trọng nhất, chiếm 42% tổng số tài khoản chứng chỉ quỹ mở. Các công ty chứng khoán cũng là kênh phân phối quan trọng, chiếm 36% tổng số tài khoản chứng chỉ quỹ mở. Các tổ chức tài chính khác như ngân hàng và tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính (Fintech) chiếm 22% số tài khoản chứng chỉ quỹ mở, với phần lớn tài khoản được mở thông qua Công ty Fincorp. Đây là một xu hướng đáng chú ý khi các nền tảng công nghệ tài chính ngày càng mở rộng vai trò trong việc kết nối với các sản phẩm quỹ, mang lại sự tiện lợi và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, số lượng công ty Fintech phân phối chứng chỉ quỹ mới chỉ có một, là Fincorp - chuyên phân phối chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư chứng khoán.

Thứ tư, về số lượng nhà đầu tư vào quỹ, tính đến cuối năm 2024, số lượng nhà đầu tư vào quỹ mở đạt gần 422.900, gấp 7,6 lần so với mức 55.700 cuối năm 2020. Tuy nhiên, số lượng này chiếm khoảng 0,44% tổng dân số Việt Nam. Đây là mức khá thấp so với 9% dân số có tài khoản chứng khoán vào cùng thời điểm cuối năm 2024, phản ánh các nhà đầu tư vẫn chú trọng vào việc tự đầu tư, thay vì đầu tư qua các quỹ đầu tư chứng khoán. So sánh với các thị trường trên thế giới sẽ thấy rõ hơn sự chênh lệch này.

Một số rào cản

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong hơn hai thập kỷ qua, nhưng các quỹ đầu tư chứng khoán - một cấu phần quan trọng trong cấu trúc nhà đầu tư tổ chức vẫn đang phát triển dưới mức tiềm năng. Tỷ lệ tài sản do các quỹ mở quản lý hiện đạt khoảng 6% GDP, còn số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường thông qua các quỹ mở chiếm chưa đến 1% dân số. Quy mô và mức độ thâm nhập khiêm tốn cho thấy có những yếu tố đang ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt dòng vốn trung và dài hạn của hệ thống các quỹ này trong nền kinh tế.

Một trong những nguyên nhân trọng yếu xuất phát từ khung pháp lý và chính sách chưa hoàn thiện. Dù Luật Chứng khoán năm 2019 đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản, nhưng đến nay vẫn còn thiếu nhiều hướng dẫn cụ thể cho các loại hình quỹ mới như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phát triển xanh (ESG), quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ bất động sản (REITs). Đồng thời, cơ chế ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư tham gia vào quỹ - vốn là công cụ khuyến khích phổ biến tại nhiều quốc gia - hiện vẫn chưa rõ ràng hoặc chưa đủ hấp dẫn. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm quỹ so với các kênh đầu tư khác như bất động sản hay đầu tư trực tiếp chứng khoán.

Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào các sản phẩm quỹ chưa cao. Với khoảng 9% dân số có tài khoản chứng khoán hiện nay, trong khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 85% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường, cho thấy phần lớn dòng tiền mang tính ngắn hạn, thiếu định hướng đầu tư chuyên nghiệp. Việc thiếu các chương trình giáo dục tài chính và thông tin minh bạch từ các tổ chức quản lý quỹ làm gia tăng tâm lý e ngại của nhà đầu tư cá nhân khi lựa chọn các sản phẩm quỹ đầu tư.

Một “rào cản” đáng chú ý khác đến từ xu hướng giảm sút sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của VinaCapital (tháng 3/2025), tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm từ 19,18% vào cuối năm 2020 xuống 15,96% vào cuối năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khu vực là 27,5%. Sự sụt giảm này phản ánh một thực tế là thị trường Việt Nam đang thiếu đi những cơ hội đầu tư đủ hấp dẫn để thu hút dòng vốn quốc tế. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là sự vắng bóng các thương vụ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) quy mô lớn trong nhiều năm gần đây. Kể từ sau đợt cao điểm năm 2018 với tổng giá trị IPO đạt tới 2,6 tỷ USD, giai đoạn 2019 - 2024 chỉ ghi nhận một vài thương vụ nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ đạt từ 15 - 70 triệu USD. Việc thiếu những doanh nghiệp lớn, có sức hút và minh bạch để niêm yết khiến các quỹ ngoại khó tìm thấy lý do để mở rộng danh mục tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, các kênh phân phối sản phẩm quỹ cũng chưa được phát triển đồng bộ. Ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nền tảng Fintech - vốn có thể đóng vai trò then chốt trong việc đưa sản phẩm quỹ tiếp cận nhà đầu tư cá nhân - chưa thực sự được tích hợp vào hệ sinh thái phân phối quỹ đầu tư tại Việt Nam.

Đề xuất giải pháp

Để khắc phục những rào cản hiện hữu và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, cần triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính trung gian và chính các công ty quản lý quỹ.

Trước hết, về mặt pháp lý, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung khổ quy định đối với các sản phẩm quỹ mới như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phát triển xanh, quỹ bất động sản, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, ban hành cơ chế ưu đãi thuế rõ ràng và ổn định dành cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia quỹ sẽ tạo động lực thiết thực để dòng vốn dài hạn dịch chuyển từ kênh đầu tư ngắn hạn sang các sản phẩm quỹ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân cần được coi là một ưu tiên chiến lược. Các cơ quan quản lý và tổ chức tài chính cần phối hợp để triển khai chương trình giáo dục tài chính đại chúng, xây dựng các cẩm nang đầu tư dễ tiếp cận và phát triển nền tảng thông tin số giúp minh bạch hóa hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư. Việc loại bỏ những cách diễn đạt gây hiểu nhầm như “chơi chứng khoán” khỏi các kênh truyền thông cũng đóng vai trò định hướng nhận thức đầu tư nghiêm túc và có kỷ luật hơn.

Về mặt thu hút dòng vốn quốc tế, cần có giải pháp thúc đẩy việc cổ phần hóa và IPO các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực hấp dẫn như năng lượng, hạ tầng, logistics, công nghệ, dịch vụ tài chính. Việc đảm bảo tính minh bạch thông tin, cải thiện xếp hạng tín dụng của các doanh nghiệp phát hành và đẩy nhanh quy trình phê duyệt sản phẩm đầu tư sẽ là nền tảng để củng cố niềm tin của các quỹ nước ngoài. Đồng thời, các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài cần được rà soát để bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, một giải pháp không thể thiếu là thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái phân phối sản phẩm quỹ. Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cần đi kèm với việc cho phép các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và các nền tảng Fintech được phân phối sản phẩm quỹ theo mô hình đại lý hoặc đối tác liên kết, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp. Đây là hướng đi đã chứng minh tính hiệu quả tại nhiều thị trường như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ.

Để tăng tính minh bạch và năng lực giám sát thị trường, Việt Nam cần đẩy nhanh việc chuẩn hóa báo cáo quỹ theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện giao dịch bất thường; thiết lập cơ chế xếp hạng hiệu quả hoạt động của các quỹ để bảo vệ nhà đầu tư và tạo áp lực nâng cao chất lượng quản lý danh mục.

Những giải pháp trên nếu được triển khai một cách nhất quán và toàn diện sẽ là nền tảng để ngành quỹ tại Việt Nam không chỉ bứt phá về quy mô, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc dẫn dắt dòng vốn trung và dài hạn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn tới.

Tin bài liên quan