Người lao động dầu khí làm việc trên công trình biển.

Người lao động dầu khí làm việc trên công trình biển.

Quy định chồng chéo, Petrovietnam khó bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang chủ động rà soát các vướng mắc về quy định pháp luật ảnh hưởng tới hoạt động của Tập đoàn để kiến nghị tháo gỡ.

60 nội dung cần xem xét

Hiện có khoảng 60 nội dung, vấn đề về quy định pháp luật cần được xem xét và kiến nghị sửa đổi, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của Petrovietnam nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Nguyên nhân cơ bản là sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các luật, nghị định.

Chẳng hạn, theo quy định của Luật Đấu thầu, Petrovietnam sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm trễ, khó khăn trong triển khai, có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành dầu khí, nhiều vấn đề, vướng mắc mà Petrovietnam gặp phải trong quá trình triển khai hoạt động lại chưa có quy định trong các luật hiện hành, quy định không đầy đủ, hoặc quy định không phù hợp.

Có thể kể đến quy định chưa rõ ràng đối với các dự án nhóm A đã có trong quy hoạch có cần lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) đối với từng dự án thành phần. Việc lập Pre-FS sẽ kéo dài thời gian và chi phí vì các thông tin cơ bản trong Pre-FS đã được xem xét khi đưa dự án vào quy hoạch. Việc kéo dài thời gian đã ảnh hưởng đến chuỗi dự án triển khai sau này, làm chậm tiến độ từng dự án, cũng như cả chuỗi đầu tư.

Sửa đổi Luật Dầu khí

Tổng giám đốc Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, những vướng mắc trong quy định pháp luật đang ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn tài nguyên dầu khí đang suy giảm, điều kiện để triển khai các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) càng khó khăn hơn khi phải thực hiện ở các vùng nước sâu xa bờ.

Cùng với đó, các cơ chế, chính sách cho hoạt động E&P và các hoạt động đầu tư các dự án mới đang có bất cập. Các cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam.

Ngoài ra, các vấn đề trong triển khai các lĩnh vực hoạt động khác nếu không được giải quyết kịp thời, thì Petrovietnam sẽ không có điều kiện và cơ sở để tiếp tục phát triển theo chiến lược đề ra, tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia.

Song song với rà soát vướng mắc trong các quy định của pháp luật, Petrovietnam đang phối hợp với Bộ Công thương soạn Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Trước đó, cuối năm 2020, Bộ Công thương đã đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Theo Bộ Công thương, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí, đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản pháp luật hướng dẫn hoặc quy định chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Do vậy, hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí khâu thượng nguồn, cũng như công tác quản lý nhà nước đã gặp phải không ít vướng mắc, lúng túng.

Vì lý do trên, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí là cần thiết.

Một số đề xuất sửa Luật Dầu khí

Bổ sung quy định về dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư dầu khí cùng các định hướng về các chính sách thuế phù hợp (thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp...).

Bổ sung quy định cụ thể về quy trình thủ tục đầu tư dự án dầu khí thượng nguồn, bảo đảm đồng bộ với pháp luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước.

Đối với các nhà thầu nước ngoài, làm rõ các trình tự, thủ tục đầu tư đối với các bước trong hoạt động dầu khí; có các quy định cụ thể hơn về việc ưu tiên áp dụng pháp luật dầu khí (luật chuyên ngành) trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án dầu khí.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước (PVN, PVEP...), xác định hình thức đầu tư các dự án dầu khí trong nước (là đầu tư dự án thông thường hay đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để có cơ chế xử lý rõ ràng); bổ sung quy định về thủ tục/quy trình nhượng bán/quyền lợi tham gia của PVN/PVEP phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí...

Tin bài liên quan