Quy hoạch dự án bất động sản không chỉ là bản vẽ kiến trúc

Quy hoạch dự án bất động sản không chỉ là bản vẽ kiến trúc

(ĐTCK) Một dự án khi lên bản vẽ rất đẹp, nhưng làm thực tế sẽ có rất nhiều biến số, nếu không hiểu thị trường và không hiểu triển khai thực tế sẽ không làm được.

Đó là nội dung được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0 do Tạp chí Reatimes tổ chức sáng ngày nay (25/6).

Phát biểu tại Tọa đàm, các chuyên gia cho biết, xu thế mới, các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều lợi thế và tiềm năng về hiệu quả và chất lượng, bước ngoặt đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ như thế nào và ra sao hiện nay vẫn đang là bài toán khó, loay hoay giữa cả chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế.

Thực tế, nhiều dự án triển khai tại Việt Nam có tồn tại một khoảng cách nhất định, không tìm được tiếng nói chung từ khi bắt đầu cho đến hết dự án, dẫn đến thiết kế phải làm đi làm lại rất nhiều lần, gây ra những diễn biến không như mong muốn cho cả 2 bên.

Hệ quả, tạo ra những sản phẩm không mang lại được sự hài lòng cho nhà đầu tư, còn phía tư vấn có tâm lý chán nản, khó đồng hành đến bước cuối cùng… Nhiều dự án làm xong dù được đầu tư các công nghệ rất cao, nhưng lại không được khách hàng ngó ngàng đến, trong khi có nhiều dự án dù chưa ra, nhưng đã nhanh chóng được khách hàng nóng lòng đặt hàng.

Quy hoạch dự án bất động sản không chỉ là bản vẽ kiến trúc ảnh 1

Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch, Giám đốc điều hành Encity (Singapore), cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang có những ảnh hưởng rất lớn tới ngành xây dựng thế giới cũng như tại Việt Nam.

Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế xây dựng hợp lý hơn và cũng quản lý hiệu quả hơn. Nhận biết, hiểu và áp dụng công nghệ vào kiến trúc, xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Tuy nhiên, từ việc mong muốn tới hiện thực lại không hề là câu chuyện dễ dàng, đòi hỏi yêu cầu rất cao từ cả 2 phía là chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch. Cả 2 bên sẽ không thể gặp nhau nếu nhà phát triển dự án không có định vị thương hiệu, không có chiến lược kinh doanh, kỳ vọng ý tưởng kinh doanh sẽ đến từ tư vấn. Trong khi đội ngũ quản lý thiết kế của nhà phát triển đòi làm thay tư vấn, như vậy sẽ rất khó hợp tác.

Còn nhà tư vấn quy hoạch nếu phụ thuộc hoàn toàn vào đề bài của nhà phát triển dự án, cho rằng có thể đưa ra chiến lược kinh doanh cho nhà đầu tư và đặc biệt là chưa có kinh nghiệm triển khai thực tế, sẽ rất khó cho nhà phát triển hợp tác cùng.

Theo ông Dũng, với những người coi quy hoạch là bản vẽ kiến trúc mà không hiểu gì về quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Quy hoạch là chuyên môn, chuyên biệt, người tư vấn quy hoạch được nhà ở, nhưng chưa chắc đã quy hoạch được các khu như sân bay, giao thông. Nếu nhà tư vấn không hiểu sự tương thích của các loại đất, vẽ bản quy hoạch không thiết thực thì sẽ dẫn đến thất bại của khu đô thị. Có thể nói, gặp một nhà tư vấn không am hiểu, chủ đầu tư có thể phá sản. 

Đồng quan điểm, ông Đoàn Châu Phong, Tổng giám đốc Văn Phú-Invest cho biết, trong mối quan hệ “bắt tay” kiến tạo công trình, vai trò của nhà đầu tư dự án là người bỏ chi phí để có được sản phẩm mong muốn. Trong khi đó, vai trò của tư vấn thiết kế là biến mong muốn của nhà đầu tư thành hiện thực.

Trong một mối quan hệ giữa nhà phát triển dự án và đơn vị tư vấn cần có những sự đặc thù riêng, có sự tin tưởng từ phía nhà phát triển thì đơn vị tư vấn mới có không gian sáng tạo, đưa ra các giải pháp tối ưu. Ngược lại, tư vấn cũng tin tưởng nhà đầu tư, làm tốt nhất công việc của mình, kết quả tốt, lợi nhuận sẽ đến. Bên cạnh đó, tư vấn và nhà đầu tư đều phải chuyên tâm tạo giá trị đích thực thì mới là điều quan trọng cả 2 bên cùng hướng đến.

"Mục tiêu của thiết kế quy hoạch đô thị luôn phải vì con người. Nếu không con người sẽ quay lưng lại với đô thị. Cho nên, từ quy hoạch đến thiết kế đến dịch vụ sau đầu tư đều phải hướng đến con người. Sự bền vững trong đô thị không chỉ là bền vững trong môi trường, mà phải bền vững trong cộng đồng, xã hội, tiện ích. Thực tế, nhiều đô thị xây dựng lên tốn kém nhiều đất, nhưng đô thị không bền vững, không tạo được môi trường cho cộng đồng nên sẽ xuống cấp rất nhanh, lãng phí tài nguyên", ông Phong nhấn mạnh và cho biết, chủ đầu tư hay thiết kế cuối cùng đều phải hướng đến hài lòng khách hàng, hiểu khách hàng cần gì phải đặt cái tôi cùng mình xuống coi khách hàng là thượng đế thi sản phẩm đưa ra thị trường sẽ được đón nhận.

Theo TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường đại học Xây dựng, có thể hiểu kiến trúc 4.0 là kiến trúc có trí tuệ, có thể hiểu được người dùng, dự án.

Thứ nhất, kiến trúc phải tạo sự rõ ràng, ví dụ, trong dự án có chủ đầu tư, người quản lý, người sử dụng thì giữa các đối tượng đó có thể chia sẻ dữ liệu, chia sẻ quan điểm về thiết kế...

Trước đây là kiến trúc định nghĩa người dùng, nhưng trong tương lai sẽ là người dùng định nghĩa kiến trúc, người dùng sẽ góp phần tạo ra không gian kiến trúc cho ngôi nhà ở. Do đó, đây sẽ là bài toán lớn cho những nhà phát triển dự án và đơn vị quy hoạch thiết kế.

Tin bài liên quan