Dây chuyền sản xuất tôm của Thực phẩm Sao Ta (FMC).

Dây chuyền sản xuất tôm của Thực phẩm Sao Ta (FMC).

Quý I/2022, lợi nhuận Tập đoàn PAN (PAN) tăng 234% lên 168 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN - sàn HOSE) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2022.

Theo đó, trong quý I/2022, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 2.949 tỷ đồng và 168 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 75% và 234% so với cùng kỳ năm 2021, với đóng góp lớn từ các mảng giống cây trồng và gạo, tôm xuất khẩu, khử trùng và nông dược...

Cụ thể, theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2022 của Tập đoàn, doanh thu thuần đạt 2.949 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ 2021; trong đó 699 tỷ tăng từ hợp nhất kết quả kinh doanh của CTCP Khử trùng Việt Nam - VFC (mã VFG - sàn HOSE). So với cùng kỳ 2021, hầu hết các đơn vị có tăng trưởng lớn về doanh thu: VFG (tăng 38%); Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (mã NSC) (tăng 38%); Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (mã ABT) (tăng 114%); nhóm Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) – Khang An Foods (viết tắt KAF) (tăng 37%); Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (mã LAF) (tăng 38%).

Lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng 234% so với cùng kỳ 2021; trong đó 74 tỷ tăng nhờ khoản thu nhập bất thường do thanh lý tài sản tại Bibica (mã BBC). Nếu loại trừ thu nhập do thanh lý tài sản tại Bibica, mức tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ 2021 là 87%.

Các đơn vị có tăng trưởng đáng kể về lợi nhuận sau thuế có nhóm FMC – KAF (tăng 36%); VFG (tăng 61%); NSC (tăng 10%). Tại ABT, trong Quý I/2022 đạt lợi nhuận sau thuế là 7 tỷ, tăng mạnh so với mức 700 triệu đồng cùng kỳ (sau khi loại trừ cổ tức nhận từ FMC Quý I/2021).

Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 77 tỷ đồng, tăng 245% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ các mảng có đóng góp lớn vào lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ bao gồm giống cây trồng và gạo, tôm xuất khẩu, khử trùng và nông dược.

Năm 2022 được kỳ vọng sẽ là năm tăng trưởng vượt trội của Tập đoàn PAN khi nhu cầu lương thực thực phẩm ngày càng tăng cao hậu đại dịch cùng những bất ổn từ chiến sự tại Ukraina. PAN cũng hợp nhất hoàn toàn kết quả kinh doanh của VFG trong khi công ty thành viên này vừa ký kết hợp tác chiến lược và nhận chuyển giao phân phối 2 sản phẩm chủ lực của Syngenta, giúp tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng doanh thu. Ngoài ra, hàng loạt nhà máy mới của FMC, KAF, 584 Nha Trang vừa hoàn thành và đi vào sử dụng cũng là động lực tăng trưởng lớn cho Tập đoàn PAN.

Trong năm 2022, Tập đoàn PAN đặt kế hoạch với doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 54,6% và 47,8% so với năm 2021. Tập đoàn quyết định tạm thời không chia cổ tức năm 2021 và 2022 để dành nguồn lực thực hiện chiến lược M&A, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới. Như vậy, kết thúc quý I, PAN hoàn thành 20,6% kế hoạch doanh thu và 22,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 29/4, cổ phiếu PAN tăng 600 đồng lên 25.650 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan