Quyết sách cho nỗ lực bứt phá

Quyết sách cho nỗ lực bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay (5/1/2024), như thông lệ, Chính phủ sẽ họp bàn với các bộ, ngành, địa phương để thảo luận về các giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, năm 2024 chính là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chính vì vậy, đây là lúc cần đưa ra các quyết sách quan trọng, nếu muốn nền kinh tế bứt phá trong năm nay, tạo nền tảng để về đích trong năm 2025.

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường tiến về phía trước. Minh chứng là tăng trưởng GDP của Việt Nam quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 5,05%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%; thu ngân sách vượt dự toán 8,12%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tích cực; giải ngân vốn đầu tư công đạt được nhiều kết quả quan trọng…

Dù các con số trên là tích cực, nhưng vẫn không thể phủ nhận, những gì đạt được chưa như kỳ vọng. Tiến trình phục hồi kinh tế đã chậm lại một nhịp, dù do yếu tố khách quan là chính, nhưng không phải không có những vấn đề xuất phát từ những điểm yếu của nội tại nền kinh tế.

Nền kinh tế bước vào năm 2024 vẫn với những khó khăn ấy, thậm chí khó khăn còn lớn hơn khi nhiều dự báo cho thấy, thời gian tới, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, mà các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính lớn đưa ra những dự báo trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Cơ hội là có, khi các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư đang được thúc đẩy mạnh mẽ; khi các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn với nền kinh tế; khi các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ... sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Và cả khi nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác, mở ra không gian mới, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Nhưng khó khăn, thách thức cũng có thực. Không phải chỉ là sức mua toàn cầu suy giảm, mà còn là vấn đề cơ cấu về sức cầu thế giới cũng sẽ thay đổi theo hướng “tiêu dùng xanh”, tạo thách thức không nhỏ với sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, liệu Việt Nam có kịp chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu, để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị mới? Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài vốn đã khó, giờ lại thêm câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi. Khu vực doanh nghiệp vốn đã khó, sức chống chịu bị bào mòn vì tác động của đại dịch, giờ lại thêm kéo dài vì các vấn đề xung đột chính trị toàn cầu…

Thậm chí, có thể, cũng giống như năm trước, khó khăn, thách thức còn nhiều hơn cả thuận lợi. Làm thế nào để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, trong khi vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế là câu hỏi không dễ trả lời.

Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện nay, bởi nền kinh tế không thể tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp nữa. Chính vì vậy, năm nay phải là năm bứt phá để tới năm 2025, nền kinh tế có thể về đích kế hoạch và có nền tảng để tạo bước phát triển bền vững trong giai đoạn sau.

Khi thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã đưa ra 12 giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giờ là lúc, Chính phủ phải hiện thực hóa các giải pháp đó, đưa vào thực thi quyết liệt và hiệu quả.

Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã được xây dựng và đang chờ được thảo luận, bổ sung, để Chính phủ sớm ban hành trong những ngày tới đây.

Giải pháp chắc chắn không chỉ để giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn, như tăng trưởng xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kích cầu nội địa…, mà còn là các vấn đề mang tính dài hơi hơn. Đó là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, là đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ. Đó còn là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn…

Nếu đã xác định năm 2024 chính là năm bứt phá để về đích, thì có lẽ, ngay từ bây giờ, phải chủ động, tăng tốc trong việc đưa ra quyết sách và thực thi quyết sách, đồng thời phải nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Tin bài liên quan