Rắn hổ mang chúa: "Hung thần" của loài bò sát

Rắn hổ mang chúa: "Hung thần" của loài bò sát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rắn hổ mang chúa là một trong những sát thủ săn mồi nguy hiểm và đáng sợ nhất trong tự nhiên.

Có nguồn gốc từ châu Á, thường được tìm thấy ở trong các khu rừng của Ấn Độ và Đông Nam Á, rắn hổ mang chúa là loài rắn có nọc độc nhất trên thế giới. Rắn hổ mang chúa có thể đạt chiều dài 5,6 m, khiến chúng dài nhất trong số các loài rắn có nọc độc.

Loài động vật này có tên khoa học "Ophiophagus hannah" mang ý nghĩa "loài chuyên ăn thịt rắn" theo tiếng Hy Lạp.

Không phải ngẫu nhiên chúng có tên gọi như vậy, bởi thực tế món ăn yêu thích của rắn hổ mang chúa chính là đồng loài của nó.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tượng động vật ăn thịt chính đồng loại của mình không phải là điều hiếm gặp trong tự nhiên. Ăn thịt đồng loại có thể cực kỳ phát triển trong trường hợp bị giam cầm hay không chịu nổi tình trạng thiếu thức ăn, đóng một phần trong chu kỳ sống của các loài động vật hoang dã.

Rắn hổ mang chúa chỉ là một trong tổng số hơn 1.500 loài động vật có hành vi ăn thịt đồng loại. Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học, 1/3 khẩu phần ăn của rắn hổ mang là đồng loại của chúng.

Đoạn clip dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rằng rắn hổ mang chúa không những ăn thịt đồng loại mà còn ăn thịt cả những loài bò sát to lớn khác, trong đó có kỳ đà.

Được quay tại khu vực rừng rậm, đoạn clip đem đến hình ảnh một con rắn hổ mang chúa khổng lồ đang cuộn tròn bao vây con kỳ đà.

Mặc dù, kỳ đà không phải là loài động vật nhỏ bé, dễ bị bắt nạt. Một con kỳ đà trưởng thành dài từ 2 - 3 m, nặng khoảng 10 kg, tuy nhiên khi nằm trong lòng của hổ mang chúa, trông chúng bỗng trở nên bé nhỏ hơn hẳn.

Có thể thấy, con rắn trườn xung quanh con mồi và bơm nọc độc vào nó bằng cách thi thoảng lại cắn một phát vào người.

Khi bơm vào cơ thể con mồi, nọc độc của rắn hổ mang chúa sẽ tấn công thẳng tới hệ thần kinh trung ương, gây mờ mắt, đau nhức, buồn ngủ, chóng mặt và tê liệt thần kinh. Sở dĩ nọc độc rắn hổ mang chúa đáng sợ vì nó chứa một hợp chất gồm các độc tố thần kinh và cytotoxin. Đó đều là những chất có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào.

Thể trạng con kỳ đà tương đối tốt khi chịu đựng một lúc lâu mới chịu khuất phục, trở thành bữa ăn cho kẻ săn mồi.

Điểm thú vị của loài rắn còn nằm ở khả năng nuốt chửng con mồi, bất kể kích thước to nhỏ. Nhờ có cấu tạo đặc biệt, rắn sử dụng một nhóm xương sọ, dây chằng và cơ chuyên biệt để mở hàm rộng hết mức có thể. Chính độ mở hàm đặt ra giới hạn về kích thước con mồi rắn có thể ăn.

Sau khi nuốt trọn con mồi, tiếp theo rắn sẽ đẩy thức ăn dọc theo đường tiêu hóa. Chất dịch ở dạ dày giúp rắn phân hủy các mô. Với những con mồi có kích thước to lớn, rắn sẽ sử dụng xương ở đầu và hàm để dồn con mồi xuống bụng.

Tin bài liên quan