Ráo riết mời gọi cổ đông chiến lược

Ráo riết mời gọi cổ đông chiến lược

Đề án tái cơ cấu hệ thống NH đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành. Theo đó, không chỉ NHTM yếu kém gấp rút thực hiện tái cơ cấu, mà ngay cả NH đã hợp nhất, sáp nhập cũng đang rốt ráo tìm kiếm cổ đông chiến lược giúp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để hoạt động lành mạnh hơn.

Tăng vốn để trả nợ

Được hợp nhất từ 3 NH, từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh của NHTMCP Sài Gòn (SCB) đã ổn định và đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, SCB vẫn còn nợ vay tái cấp vốn từ NHNN và đang thực hiện lộ trình tái cấu trúc dưới sự giám sát của NHNN. Mới đây, SCB đã lấy phiếu biểu quyết của cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ.

 

Giao dịch tại SCB

 

Theo đó, mức vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để trả nợ vay tái cấp vốn 1.000 tỷ đồng, đầu tư hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin 200 tỷ đồng và bổ sung nguồn vốn kinh doanh 1.800 tỷ đồng. SCB dự kiến chia làm 2 đợt tăng vốn.

Trong đó, đợt 1 sẽ phát hành 30 triệu cổ phần (tương đương 300 tỷ đồng) để tăng vốn từ 10.583 tỷ đồng lên 10.883 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành cổ đông tổ chức và cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Tỷ lệ thực hiện quyền 100: 3,79 (cổ đông sở hữu 100 cổ phần được mua 3,79 cổ phần phát hành thêm); giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian dự kiến thực hiện việc tăng vốn vào tháng 12-2012.

Đợt 2, phát hành 270 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 2.700 tỷ đồng cho đối tượng nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thỏa mãn điều kiện: có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm trước năm đăng ký mua cổ phần; có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực NH; được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi…

HĐQT dự kiến tiếp xúc đàm phán với nhà đầu tư để lựa chọn phát hành, thỏa thuận giá phát hành sao cho có lợi nhất với SCB, đảm bảo không dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian dự kiến thực hiện vào tháng 6-2013. Tuy nhiên, SCB cho biết sau khi tăng vốn, cơ cấu HĐQT, Ban kiểm soát sẽ không thay đổi, đảm bảo hoạt động của SCB ổn định, hiệu quả.

 

Áp lực tự tái cơ cấu

Hiện nay, nhiều NHTM trong đề xuất phương án tự tiến hành tái cơ cấu cũng đang tìm kiếm cổ đông bên ngoài tham gia. Cụ thể, tháng 9 vừa qua NHNN đã có văn bản chấp thuận cho TrustBank triển khai phương án tự tái cơ cấu. Theo đó, NH này đang mời gọi cổ đông chiến lược trong nước với tỷ lệ cổ phần chi phối giúp thực hiện tái cơ cấu.

Trong khi đó, phương án tái cơ cấu Navibank đã được chuyển lên NHNN để xem xét, bổ sung trình Chính phủ. Trước đó, NH này đã phải giảm vốn chủ sở hữu còn 2.513 tỷ đồng (vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng) để tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đây là NH đầu tiên bị giảm vốn chủ sở hữu để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, mới đây NH này cho biết sau khi đã triển khai một số biện pháp nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu, hiện vốn pháp định đã tăng trở lại 3.027 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết nếu các NHTM yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, NHNN sẽ tính đến phương án sáp nhập, hợp nhất trước khi yêu cầu giảm vốn điều lệ để xử lý nợ xấu.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, sự quyết liệt của NHNN buộc các NHTM phải chạy đua nước rút tự tìm kiếm đối tác để hợp nhất và có nguồn lực tài chính thực hiện tái cơ cấu.

Theo một chuyên gia NH, hiện nay cổ phiếu NH không còn hấp dẫn nhà đầu tư, bên cạnh đó các tập đoàn nhà nước đang phải thoái vốn ra khỏi ngành NH, nên cửa kiếm đối tác chiến lược trong nước cũng hẹp và khó hơn.

Nhưng với nhà đầu tư nước ngoài có tầm nhìn dài hạn vẫn quan tâm đến đầu tư vào NH nhưng sẽ chọn các NHTM tốt. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dù khó nhưng việc tìm đối tác chiến lược đang là phương án khả thi hiện nay cho các NHTM yếu kém, thực hiện để tái cơ cấu mà vẫn bảo đảm quyền lợi cho cổ đông hiện hữu trong tương lai.