Ricons mua lại cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ.

Ricons mua lại cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ.

Ricons mua cổ phiếu quỹ, Coteccons có giảm sở hữu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thị trường đang có những đồn đoán về việc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) sẽ mua cổ phiếu quỹ và bên bán là cổ đông lớn Coteccons.

Mua giá nào?

Đầu tháng 3/2021, Ricons đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và thông qua nghị quyết về việc sẽ mua lại 3 triệu cổ phiếu quỹ nhằm mục đích giảm vốn điều lệ. Số cổ phiếu mà Ricons dự kiến mua vào tương đương gần 9,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Theo phương án được Đại hội đồng cổ đông Ricons thông qua, giá mua cổ phiếu quỹ nằm trong khoảng 60.000 - 110.000 đồng/cổ phiếu, mức giá cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định sau.

Trong trường hợp mua lại cổ phiếu ở mức giá tối đa, Ricons sẽ phải chi ra số tiền lớn hơn vốn điều lệ của Công ty hiện nay (317 tỷ đồng). Mức giá mua cuối cùng còn chờ Hội đồng quản trị quyết định, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, khả năng sẽ nằm ở nửa trên của khung giá dự kiến, thậm chí là gần với khung giá cao nhất.

Giá mua cổ phiếu quỹ ở mức cao nhất tương đương với giá mà Ricons phát hành riêng lẻ trước đây. Trong đợt phát hành 6,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược vào quý I/2018, ước tính mức giá mà các nhà đầu tư (bao gồm nhiều tổ chức như Dragon Capital, VinaCapital, Havana, SSI AM, Daiwa Investment…) chi trả là 106.000 đồng/cổ phiếu, mang lại thặng dư vốn cổ phần gần 600 tỷ đồng cho Ricons.

Giá mua cổ phiếu quỹ ở mức cao nhất tương đương với giá mà Ricons phát hành riêng lẻ trước đây.

Chính vì vậy, mức giá mà Công ty đưa ra chắc chắn sẽ phải đủ hấp dẫn để thuyết phục bên bán, khi mà lượng mua vào chiếm gần 10% cổ phiếu đang lưu hành.

Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Ricons lần lượt giảm 9,1% và 30,3% so với năm 2019. Tuy vậy, với 251,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thu được và 31,64 triệu cổ phiếu đang lưu hành (không tính 58.600 cổ phiếu quỹ), mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) vẫn lên đến 7.942 đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 10,8%.

Cổ phiếu Ricons chưa được niêm yết, nhưng nếu tính chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của một số doanh nghiệp cùng ngành xây dựng như Coteccons, Phục Hưng Holdings đang ở mức 13 - 14 lần, thì mức giá của Ricons có thể đạt 105.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, mức giá này cao hơn giá trị sổ sách hiện là 73.300 đồng/cổ phiếu và cao hơn giá chào mua, chào bán trên thị trường OTC trong khoảng 80.000 - 90.000 đồng/cổ phiếu.

Mua cổ phiếu quỹ của ai?

Trên thị trường đang có những tin đồn về việc cổ đông lớn Coteccons sẽ bán lại cổ phiếu cho Ricons, nhưng theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Coteccons chưa có động thái giảm sở hữu tại Ricons.

Số liệu từ báo cáo thường niên của Ricons cho thấy, tính đến cuối năm 2019, cơ cấu cổ đông của Ricons có thể chia thành 3 nhóm lớn là tổ chức trong nước (7 tổ chức) sở hữu 18,88%, nhóm tổ chức nước ngoài (10 tổ chức) sở hữu 18,32%, nhóm cổ đông cá nhân trong nước sở hữu 62%, nhóm cá nhân nước ngoài sở hữu không đáng kể.

Theo báo cáo tài chính của Coteccons, tỷ lệ sở hữu của công ty này tại Ricons đến cuối năm 2020 là 14,3%, cao gấp rưỡi lượng cổ phiếu quỹ dự kiến mua vào.

Có những ý kiến thắc mắc, vì sao Ricons mua cổ phiếu quỹ ở thời điểm này, trong khi nhiều công ty khác đang tranh thủ thị trường chứng khoán khởi sắc lên kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn?

Theo thông tin mà Đầu tư Chứng khoán có được, Ricons mua lại cổ phiếu quỹ nhằm đáp ứng nhu cầu của những cổ đông muốn thoái vốn khi chiến lược phát triển của Công ty là hình thành hệ sinh thái Ricons Group. Trong khi đó, tại thời điểm phát hành cho cổ đông chiến lược năm 2018, Ricons nằm trong hệ sinh thái khác.

Tỷ lệ sở hữu Ricons hiện nay khá cô đặc, phần lớn do cổ đông là đội ngũ cán bộ, nhân viên Công ty sở hữu.

Điều này có thể cảm nhận rõ trong kỳ Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức đầu tháng 10/2020, số cổ đông sở hữu 88,57% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Tờ trình thông qua việc bầu đề xuất thành viên Hội đồng quản trị theo đề nghị của Coteccons có 75,85% số cổ phần phủ quyết, chỉ có 16,06% biểu quyết tán thành và 8,08% giữ vị trí trung lập (không có ý kiến).

Ngược lại, đối với tờ trình thông qua việc giữ nguyên số thành viên Hội đồng quản trị là 5 người cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ được đảo ngược với 75,85% số cổ phần tán thành và 16,06% biểu quyết phủ quyết.

Như vậy, bên bán cổ phiếu Ricons chủ yếu sẽ là cổ đông bên ngoài, không phải cổ đông lớn Coteccons, cũng như không phải cổ đông nội bộ Công ty, những người đang giữ tỷ lệ sở hữu cao để chống thâu tóm.

Ai hưởng lợi?

Trường hợp hoàn tất mua vào 3 triệu cổ phiếu quỹ và bán lại 58.600 cổ phiếu quỹ hiện có cho người lao động theo phương án vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua, số cổ phiếu lưu hành của Ricons sẽ giảm xuống còn 28,7 triệu đơn vị.

Theo đó, mức EPS năm 2020 sẽ tăng lên 8.756 đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng lên 12,63%.

Trong trường hợp phải chi ra số tiền tối đa 330 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ ở ngưỡng giá tối đa, thặng dư vốn cổ phần của Ricons sẽ giảm 37%, từ 806,5 tỷ đồng hiện nay xuống 506 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu sẽ giảm khoảng 14,6%, tương ứng giảm 5% tổng tài sản Công ty đến cuối năm 2020.

Thời điểm cuối năm 2020, Ricons có số tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại là 1.141 tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng tài sản. Công ty có cơ cấu tài chính khá mạnh với việc không sử dụng nợ vay.

Ngoài vốn chủ sở hữu, nguồn vốn kinh doanh chủ yếu được tài trợ bằng các khoản chiếm dụng vốn từ người mua trả tiền trước (260,5 tỷ đồng), phải trả người bán (1.893 tỷ đồng) và các khoản chi phí phải trả (1.327,6 tỷ đồng).

Theo đó, Ricons sẽ không gặp khó khăn về tài chính khi mua cổ phiếu quỹ và trong ngắn hạn, người hưởng lợi là các cổ đông còn lại, vì Công ty chuẩn bị niêm yết, lượng cổ phiếu ít hơn, EPS cao hơn thì giá cổ phiếu dự kiến sẽ cao hơn tương ứng.

Nhưng trong dài hạn, việc giảm vốn sẽ làm giảm nguồn lực dành cho đầu tư của Công ty như đầu tư bất động sản, đầu tư sản xuất để gia tăng lợi nhuận từ các mảng khác bù đắp cho tăng trưởng của mảng xây lắp ngày càng cạnh tranh.

Tin bài liên quan