Rủi ro gì khi công ty chứng khoán nhận tiền gửi lãi suất cao của nhà đầu tư?

Rủi ro gì khi công ty chứng khoán nhận tiền gửi lãi suất cao của nhà đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường chứng khoán trong xu thế điều chỉnh, thanh khoản không cao, nhu cầu margin không lớn, nhưng một số công ty chứng khoán vẫn nhận tiền gửi của nhà đầu tư dưới hình thức vay vốn và trả lãi suất cao.

Theo khảo sát của Đầu tư Chứng khoán, trên thị trường một số công ty chứng khoán quy mô vừa triển khai sản phẩm nhận tiền gửi của nhà đầu tư và trả lãi suất rất cao.

Thông thường ở các công ty chứng khoán lớn, mức lãi suất dành cho các sản phẩm tiền gửi của nhà đầu tư thường cao hơn lãi suất 1 - 2 điểm phần trăm so với lãi suất của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Như SSI từng áp mức lãi suất tương đương với kỳ hạn, từ kỳ hạn 7 ngày, 14, 21 ngày đến 30 đến 270 ngày là 3,5% cho kỳ hạn ngắn và từ 4,5% đến 5,8%/năm kỳ hạn 30 ngày trở lên. Lãi suất ở một công ty chứng khoán có thị phần lớn khác là 4,2%/năm cho khoản gửi theo kỳ hạn ngày cho đến 5,3%/năm kỳ hạn từ 30 ngày trở lên. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng từng áp dụng lãi suất sản phẩm Imoney dưới 3%/năm cho kỳ hạn theo ngày, 4,3% cho kỳ hạn tháng và từ 6 tháng trở lên là 6,2%/năm.

Mức lãi suất này cạnh tranh hơn, cao hơn khoảng 1 điểm phần trăm, nếu so với lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần. Để trả lãi cho khoản tiền gửi của khách hàng, công ty chứng khoán dùng nguồn vốn của khách hàng gửi để kinh doanh margin, thực hiện nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, đầu tư trái phiếu hay kinh doanh nguồn vốn nói chung. Đây cũng là một nghiệp vụ gia tăng lợi nhuận cho công ty chứng khoán và tiện ích cho khách hàng.

Tuy nhiên, ở những công ty chứng khoán quy mô nhỏ, lãi suất huy động được đẩy lên rất cao từ 9 - 11%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 1 năm. Trong khi các công ty này không có nghiệp vụ kinh doanh nguồn vốn, thị phần môi giới thấp, nên ở thời điểm thị trường chứng khoán không sôi động như hiện nay, áp lực nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bình thường giao dịch chứng khoán là không cao.

Vậy áp lực huy động vốn đến từ đâu? Có công ty huy động thuần túy để đáp ứng nhu cầu cho vay margin. Và nhu cầu margin cao ở thời điểm này ngoài khách hàng giao dịch thông thường, không loại trừ khả năng còn đến từ một nhóm nhà đầu tư đặc biệt, là các nhà đầu tư lớn, chủ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản cầm cố cổ phiếu để vay vốn đáp ứng nhu cầu tài chính của cá nhân hoặc của doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán lớn hoặc đã hết room cho vay. Rủi ro với danh mục cổ phiếu margin như vậy sẽ lớn hơn và đòi hỏi quản trị chặt chẽ hơn nhiều.

Tuy nhiên, có những công ty chứng khoán, việc giữ tiền của nhà đầu tư ở lại nhằm đáp ứng thanh khoản của chính mình. Nguồn vốn của một vài công ty chứng khoán huy động lãi suất cao như này đã kẹt trong trái phiếu đầu tư hoặc trái phiếu buộc phải mua lại cho khách hàng sau cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường trái phiếu vừa qua. Nếu không có, hay nguồn vốn của khách hàng bị rút ra, thanh khoản của công ty chứng khoán sẽ càng thêm khó khăn.

Đã từ vài năm nay, việc các công ty chứng khoán xây dựng các sản phẩm tương tự sản phẩm tiền gửi của ngân hàng nhằm giữ tiền của nhà đầu tư chứng khoán ở lại tài khoản của công ty chứng khoán đã trở nên phổ biến. Ban đầu, các công ty chứng khoán có liên kết với ngân hàng triển khai trước, sau đó do áp lực cạnh tranh các công ty chứng khoán khác cũng phải triển khai dưới các hình thức khác như vay, ủy thác đầu tư… Và các sản phẩm này được cung cấp phổ biến qua web, qua app giao dịch của công ty chứng khoán.

Còn nhớ thời điểm năm 2021, hai công ty là Công ty Chứng khoán MB và Công ty Chứng khoán VNDirect đã phải báo cáo, giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về triển khai các sản phẩm huy động vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư, tiền gửi tiết kiệm… và các công ty này được yêu cầu dừng dịch vụ.

Đầu tuần này, UBCKNN đã yêu cầu các công ty chứng khoán không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi và phải tất toán toàn bộ các giao dịch đã phát sinh liên quan đến hoạt động này, chậm nhất trước ngày 30/06/2024.

Cụ thể, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động của công ty chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN yêu cầu công ty chứng khoán tuân thủ nghiêm quy định liên quan trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ. Công ty chứng khoán không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.

Công ty chứng khoán không được thỏa thuận/ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại có nội dung gây hiểu nhầm về tài khoản chuyên dụng của nhà đầu tư đứng tên công ty chứng khoán tại ngân hàng thương mại. Công ty chứng khoán phải đảm bảo khả năng thanh toán, chi tiền, chi trả tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong mọi tình huống.

Nhưng theo các chuyên gia trên thị trường, nếu muốn các công ty chứng khoán vẫn có thể né yêu cầu của UBCKNN bằng việc vận dụng luật dân sự và thương mại để có những thỏa thuận nhận vốn từ khách hàng.

Tin bài liên quan