Rủi ro khi chạy theo khuyến nghị định giá của chuyên gia phân tích

Rủi ro khi chạy theo khuyến nghị định giá của chuyên gia phân tích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nhiều cổ phiếu chinh phục mốc mới, các chuyên gia phân tích cơ bản cũng nhiều lần cập nhật mức định giá cao hơn. 

Tranh cãi về việc tạo thêm giá trị của báo cáo phân tích

Để bắt đầu bài viết, xin được nhắc lại Giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH) - được phát triển từ những năm đầu của thế kỷ 20 và sau đó trở thành một trong những thành phần quan trọng trong lý thuyết cũng như thực tiễn ngành tài chính.

Giả thuyết này cho rằng, giá cả phản ánh tất cả những thông tin sẵn có và khó có nhà đầu tư nào có thể chiến thắng thị trường trong dài hạn.

Các phản biện giữa quan điểm ủng hộ và không ủng hộ EMH vẫn được tranh luận sôi nổi cho đến nay.

Nhà kinh tế học Shiller, từng được giải Nobel kinh tế đã phát biểu rằng, EMH là “một nửa sự thật”, một mặt EMH mô tả thị trường chứng khoán hiện đại khi thông tin và giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng, mặt khác vẫn còn đó những mẫu hình trong giá cổ phiếu mà EMH không thể giải thích hết được.

Dẫu vậy, rất nhiều định chế tài chính lớn, các công ty môi giới, ngân hàng, quỹ đầu tư ở khắp nơi trên thế giới vẫn đầu tư, phân bổ chi phí cho bộ phận nghiên cứu của riêng mình.

“Phải chăng các chuyên gia phân tích bình thường không tạo thêm giá trị?”, đó là câu mở đầu bài viết cùng tên của Joachim Klement, một cây viết với nhiều bài đăng trên blog của hiệp hội CFA vào tháng 11/2020.

Đây là bài viết đáng chú ý, tranh luận về việc liệu làm theo khuyến nghị của các chuyên viên phân tích có mang lại hiệu quả trong dài hạn hay không.

Bài viết đã trích dẫn nghiên cứu của hai tác giả Vitor Azevedo và Sebastian Müller, CFA, với tựa đề “In “Analyst Recommendations and Anomalies Across the Globe” (tạm dịch là Trong khuyến nghị của nhà phân tích và những bất thường trên toàn cầu), đã nghiên cứu trên 3,8 triệu dự báo của nhà phân tích ở 45 quốc gia và khu vực từ năm 1994 đến năm 2019.

Nghiên cứu này so sánh chênh lệch tỷ suất lợi nhuận của nhóm 20% các cổ phiếu được ưa thích nhất và 20% các cổ phiếu thuộc nhóm ít được ưa thích nhất của các chuyên viên phân tích. Kết quả cho thấy, ở hầu hết các thị trường, sự ưa thích của các chuyên viên phân tích đem lại chênh lệch lợi nhuận dương.

Hiệu quả khuyến nghị của các chuyên gia phân tích ở các thị trường.

Hiệu quả khuyến nghị của các chuyên gia phân tích ở các thị trường.

Bài viết cũng đi đến kết luận rằng, phải chăng các chuyên gia phân tích cũng ít nhiều tạo được giá trị. Tuy nhiên, đây là bài viết trên blog của Hiệp hội CFA và đương nhiên là ủng hộ quan điểm về phân tích cơ bản. Trong học thuật và cả thực tiễn, vẫn chưa có hồi kết cho những tranh cãi xung quanh chủ đề này.

Định giá khó tránh tính “bầy đàn”

Trong thời gian qua, khi thị trường chứng khoán tạo đáy và liên tục tăng điểm, một điều dễ nhận thấy khi quan sát khuyến nghị từ bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán là việc liên tục nâng giá mục tiêu của các cổ phiếu. Thực ra, hành vi này xuất hiện phổ biến trên các thị trường và cũng đã có nhiều nghiên cứu cụ thể.

Khi thị trường tăng giá, cổ phiếu tiến gần hoặc vượt xa giá trị định giá cũ, việc làm người cô đơn, giữ nguyên định giá cũ trong khi cả thị trường đã nâng đánh giá là không dễ.

Khi thị trường tăng giá, cổ phiếu tiến gần hoặc vượt xa giá trị định giá cũ, việc làm người cô đơn, giữ nguyên định giá cũ trong khi cả thị trường đã nâng đánh giá là không dễ. Cảm giác phải tách biệt khỏi đám đông và có thể bị chê bai rằng không cập nhật được các diễn biến mới của thị trường khiến khách hàng bỏ qua các cơ hội thực sự là một áp lực lớn với các chuyên gia phân tích.

Thống kê qua khuyến nghị từ các công ty chứng khoán công bố rộng rãi báo cáo đối với các cổ phiếu trong nhóm VN30 trong tháng 4 và tháng 5/2021 cho thấy, mặc dù chỉ số VN30 đã có lúc tăng gần 50% từ đầu năm và 150% từ đáy, các con số định giá vẫn cho kết quả hầu hết là còn dư địa (% tăng điểm dương). Có nhiều cổ phiếu được cập nhật lại và nâng định giá bởi cùng một tổ chức phát hành báo cáo.

Tất nhiên, với thị trường thuận lợi, tính đến thời điểm hiện tại, đa số các cổ phiếu đều tăng giá và mang lại hiệu quả đầu tư. Có một câu nói rất phổ biến trên thị trường chứng khoán: “Khi giá tăng thì bạn nói điều gì cũng đúng”. Câu nói trên đúng với thị trường hiện tại.

Đằng sau mỗi lần nâng giá mục tiêu là các lý do khác nhau được trình bày trong các báo cáo, có thể là do đánh giá lại triển vọng lợi nhuận, cũng có thể do giảm lãi suất chiết khấu, gia tăng giá trị doanh nghiệp sau các thương vụ mua bán sáp nhập… Nó luôn đúng về mặt con số tài chính. Tất nhiên, ở đây cũng đặt ra nhiều dấu hỏi cho các chuyên gia phân tích, ngoài việc khả năng bị tính bầy đàn trong định giá.

Đầu tiên, trong ngắn hạn, tại sao giá trị doanh nghiệp lại thay đổi nhiều như vậy, vì các chuyển biến của doanh nghiệp rất cần thời gian. Liệu chuyên gia phân tích trước đó không nhìn ra được câu chuyện, để khi doanh nghiệp công bố các thông tin mới thực hiện thay đổi giá trị định giá?

Hay là, thị trường tăng giá, kết quả của các phương pháp định giá so sánh thường được nâng lên do hệ số định giá của các thị trường và ngành được tăng lên? Vậy, liệu khi thị trường điều chỉnh giảm, các chuyên gia phân tích có dũng cảm hạ mức định giá của mình.

Khi các chuyên gia phân tích thay đổi mức định giá của mình theo hướng nâng định giá, có trường hợp tác động tích cực đến giá, tuy nhiên không phải hoàn toàn. Nhưng có một điều chắc chắn nó gây ảnh hưởng ít nhiều trong quá trình đầu tư của nhiều nhà đầu tư và cả nhà tư vấn.

Giả sử khi đến giá mục tiêu, nhà đầu tư tiến hành chốt lời, một thời gian ngắn ngay sau đó, khuyến nghị từ một công ty chứng khoán nâng giá mục tiêu. Vậy lúc này, nhà đầu tư sẽ mua lại hay bỏ qua cơ hội?

Trong vòng một vài tháng, doanh nghiệp vẫn như thế, sao mức định giá lại tăng lên nhiều đến vậy? Vậy đâu mới là mức định giá đúng để có thể tin cậy?

Khi thị trường đang tăng giá và có lãi, tất nhiên mọi thứ dễ dàng được bỏ qua. Còn khi thị trường giảm, có lẽ đâu đó giá chỉ là khái niệm và các giá trị định giá đã được nâng lên như thời điểm hiện tại cũng chỉ là con số tham khảo.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho rằng, các khuyến nghị hạ bậc sẽ có tác động mạnh hơn đến giá, bởi lẽ các chuyên gia phân tích cũng bị ràng buộc nhất định với các mối quan hệ với doanh nghiệp và không muốn đánh mất mối quan hệ này.

Một khi các nhà phân tích hạ bậc khuyến nghị, ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều. Khi đó, liệu một lần nữa các chuyên gia phân tích lại chạy theo thị trường hạ giá khuyến nghị mục tiêu và càng làm trầm trọng hơn trạng thái giảm điểm, hay sẽ duy trì mức định giá mới được cập nhật?

Giới đầu tư chứng khoán có câu: “Định giá là nghệ thuật hơn là khoa học”. Đã là nghệ thuật thì không nhất thiết phải chính xác. Tuy nhiên, sự khác biệt quá lớn trong những lần cập nhật định giá thì thật khó để trở thành điểm tựa cho các nhà đầu tư neo vào khi ra quyết định.

Tin bài liên quan