Sáp nhập Sở GDCK, xu hướng và sự khác biệt

Sáp nhập Sở GDCK, xu hướng và sự khác biệt

(ĐTCK-online) Nhiều chuyên gia và lãnh đạo CTCK đã lên tiếng ủng hộ quan điểm sáp nhập 2 Sở GDCK tại Việt Nam khi thông tin về khả năng này được ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chia sẻ với Financial Times.

Có hai lý do chính khiến các thành viên thị trường ủng hộ ý tưởng này. Thứ nhất, sáp nhập đang trở thành xu hướng chung của các Sở GDCK thế giới và thứ hai, việc sáp nhập có thể sẽ mang lại hiệu quả cho các thành viên thị trường.

Tại Việt Nam , khi TTCK chưa ra đời, việc chọn mô hình cho TTCK đã là một vấn đề gây nhiều tranh luận. Các mô hình như 1 sở, 1 sàn; 1 sở, 2 sàn; 2 sở, 2 sàn… đều được tính đến và cuối cùng, tháng 7/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 2 Trung tâm GDCK. Từ đây, Trung tâm GDCK TP. HCM chính thức ra đời ngày 20/7/2000 và Trung tâm GDCK Hà Nội khai trương 5 năm sau đó, ngày 8/3/2005.

Tháng 5/2007, theo Quyết định của Thủ tướng, Trung tâm GDCK TP. HCM được đổi thành Sở GDCK. Tháng 1/2009, Trung tâm GDCK Hà Nội cũng được đổi thành Sở GDCK Hà Nội (HNX). Hai Sở đều hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu nhà nước, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

2 Sở GDCK tại Việt Nam đều có nhiệm vụ tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và đều đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này. Hiện HOSE có gần 300 cổ phiếu niêm yết; HNX có gần 400 cổ phiếu niêm yết, 127 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM và vận hành thị trường trái phiếu chính phủ. Đánh giá về vai trò của Sở GDCK, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội từng thể hiện mong muốn rằng, HNX sẽ trở thành một trong những nhân tố cốt lõi của hệ thống tài chính Thủ đô và cả nước. Lãnh đạo UBND TP. HCM thì mong rằng, HOSE sẽ góp phần xây dựng TP. HCM thành trung tâm tài chính khu vực, là tâm điểm của các dòng vốn đổ về Đông Nam Á.

Trong định hướng hoạt động đến năm 2015, cả 2 Sở đều đặt mục tiêu phát triển TTCK công bằng, công khai, minh bạch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam . Như vậy, đến thời điểm này, 2 Sở đang đi những bước tương đối song hành, độc lập và chưa có bất kỳ căn cứ pháp lý nào cho thấy, khả năng sáp nhập 2 Sở tại Việt Nam có thể xảy ra trong tương lai gần.

Trên thế giới, sáp nhập các sở GDCK đang ngày càng nở rộ với nhiều thương vụ xuyên biên giới như NYSE mua lại Euronext; NYSE Euronext sáp nhập với Deutsche Boerse; Nasdaq nhắm đến việc sáp nhập với Sở GDCK London (LSE); Sở GDCK Singapore sáp nhập với Sở GDCK Australia... Nhưng điểm khác biệt căn bản của các Sở GDCK quốc tế với 2 Sở GDCK tại Việt Nam là ở tính chất sở hữu. Các Sở GDCK quốc tế được sở hữu tư nhân và vì thế mục tiêu chính yếu là tạo lợi nhuận cho những ông chủ nắm cổ phần. Tại Việt Nam, Sở GDCK là công ty TNHH 1 thành viên thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện những mục tiêu Chính phủ đặt ra trong từng giai đoạn. Dù đã có hơn 10 năm hoạt động, nhưng so với thế giới, TTCK Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Vì thế, chủ đề có sáp nhập 2 Sở GDCK tại Việt Nam hay không, sáp nhập như thế nào, dù đang được các thành viên thị trường quan tâm, nhưng lộ trình sẽ còn rất dài, cần rất nhiều sự cân nhắc, chứ không đơn giản như cách nói "không còn gì phải bàn cãi" mà một số người trong ngành phát biểu trên báo chí gần đây.