Sắp xét xử kỳ án chuyển nhượng hàng trăm m2 'đất vàng' ở phố Bà Triệu

0:00 / 0:00
0:00
Tổng giá trị thừa đất tại số 296, 298 và số 300 phố Bà Triệu mà Lương Thế Hiển - nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội - đã chiếm đoạt là hơn 127 tỷ đồng.
Lô đất vàng số 296, 298, 300 phố Bà Triệu.

Lô đất vàng số 296, 298, 300 phố Bà Triệu.

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ chuyển nhượng hơn 300m2 "đất vàng" tại phố Bà Triệu (Hà Nội) vào ngày 9/3 tới.

Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội trong thời gian qua.

Các cơ quan tố tụng thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần trả hồ sơ, đổi tội danh, hoãn phiên tòa… để làm rõ các tình tiết, nội dung trong vụ án.

Hội đồng xét xử gồm 3 người (một thẩm phán, hai hội thẩm nhân dân), do thẩm phán Đào Bá Sơn (Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa.

Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Trong vụ án này, hai vợ chồng bị cáo: Lương Thế Hiển (tức Lương Xuân Hiển, Lương Đức Hiển, sinh năm 1960, nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã nghỉ hưu) và Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1960, vợ bị cáo Hiển) bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175, khoản 4-Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 7/2018, Lương Thế Hiển giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo của các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, có thể đứng tên giúp anh Nguyễn Thanh Thủy làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, chuyển đổi đất sử dụng chung và góp các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho anh Thủy được nhanh chóng.

Để hợp thức việc nhờ Hiển đứng tên làm giúp làm các thủ tục trên, Hiển và anh Thủy đã thống nhất thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Nguyễn Thị Liên (là vợ Hiển, do Hiển nhờ ký), viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu trên với Liên và Hiển.

Tuy nhiên, sau khi Lương Thế Hiển đứng tên làm xong các thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, chuyển đổi đất sử dụng chung, gộp các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 Bà Triệu và được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội hợp thành 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp các ngày 28/12/2017 và 14/5/2018 đứng tên Lương Xuân Hiển và Nguyễn Thị Liên, Lương Thế Hiển không trả lại nhà đất số 296, 298, 300 phố Bà Triệu cho anh Nguyễn Thanh Thủy như hai bên đã thỏa thuận mà chiếm đoạt, bán toàn bộ nhà đất trên cho anh Lê Hải An được số tiền gần 320 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Cáo trạng xác định tổng giá trị thừa đất tại số 296, 298 và số 300 phố Bà Triệu trên mà Lương Thế Hiển đã chiếm đoạt là hơn 127 tỷ đồng.

Trong vụ án này, anh Thủy cho rằng mình chỉ nhờ vợ chồng ông Hiển đứng tên làm thủ tục mua nhà ở trên phố Bà Triệu nhưng đã bị chiếm đoạt, bán cho người khác.

Cơ quan tố tụng xác định, các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên, biên bản thanh lý hợp đồng, giấy biên nhận số tiền 100 tỷ đồng mà bị cáo Hiển trả cho anh Thủy là giả cách. Mặc dù chữ ký, dấu lăn tay của anh Thủy là thật nhưng theo cơ quan tố tụng, đây chỉ là hợp thức hóa để bị cáo Hiển đứng tên mua khu đất giúp anh Thủy.

Tuy nhiên, Lương Thế Hiển không thừa nhận hành vi phạm tội. Hiển khai việc hợp tác đầu tư mua gom nhà đất với anh Thủy là có thật, cũng như có việc vợ chồng mình chuyển tiền 3 lần, tổng cộng 200 tỉ đồng như 3 giấy nhận tiền Thủy đã ký.

Quá trình chuẩn bị xét xử, luật sư bào chữa cho bị cáo Lương Thế Hiển đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử, trình bày về một số kiến nghị liên quan, đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc để đảm bảo tính khách quan trong vụ án.

Cụ thể, luật sư xác định quan hệ chuyển nhượng nhà đất giữa anh Thủy và 2 vợ chồng bị cáo Hiển-Liên không giả cách bởi đều được thực hiện theo quy định, được công chứng viên công chứng. Hợp đồng góp vốn và Biên bản thanh lý đều có luật sư ký với vai trò là người làm chứng, có đóng dấu của Văn phòng luật sư. Việc cho rằng văn bản giấy tờ trên là giả cách mà chỉ dựa chỉ vào lời khai của anh Thủy là chưa khách quan.

Trong vụ án, anh Thủy cho rằng mình không thuộc đối tượng được mua nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước nên để 2 vợ chồng bị cáo Hiển-Liên mua nhà đất thì thuận hơn. Theo luật sư, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc không được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.

Thực tế, anh Thủy cũng đã tự đứng ra nhận chuyển nhượng 11 diện tích nhà đất của 11 hộ dân tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, hiện vẫn có giá trị pháp lý.

Mặt khác, luật sư phân tích việc anh Thủy khai biết việc bị cáo Hiển bán nhà từ tháng 4/2018 nhưng hơn 1 năm sau anh Thủy mới làm đơn tố cáo bị cáo Hiển và đơn tố cáo đầu tiên là bị cáo Hiển nợ anh Thủy 10 tỷ đồng chứ không phải chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, luật sư cho rằng những nội dung này cần được làm rõ trong quá trình xét xử.

Tin bài liên quan