SHB: sở hữu “vượt khung” tại Bianfishco vẫn hợp luật!

SHB: sở hữu “vượt khung” tại Bianfishco vẫn hợp luật!

(ĐTCK) SHB không trực tiếp sở hữu 25 triệu cổ phần của Bianfishco, mà chỉ là đại diện theo ủy quyền của Công ty Hồ Mây.

Ngày 24/8/2012, Sở Kế họach và Đầu tư TP.Cần Thơ đã ký cấp đổi giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 5 cho Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco). Theo đó Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) sở hữu 25 triệu cổ phần, nắm giữ 50% vốn điều lệ Bianfishco; ông Trần Văn Trí - người đại diện pháp luật, Tổng giám đốc Công ty sở hữu 1 triệu cổ phần, tương đương 2% vốn điều lệ Bianfishco, số cổ phần còn lại là của 103 cổ đông khác.

Đây là thông tin được đại diện Bianfishco và SHB công bố tại buổi họp báo, tổ chức vào ngày 25/8/2012. Thông tin này đã làm sáng tỏ thắc mắc chuyện lòng vòng của 25 triệu cổ phiếu Bianfishco được dư luận quan tâm trong mấy ngày qua.

SHB: sở hữu “vượt khung” tại Bianfishco vẫn hợp luật! ảnh 1

Đại diện Bianfishco, DATC và SHB tại buổi họp báo ngày 25/8

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, trong những ngày tới, SHB sẽ cử đại diện phối hợp cùng Ban giám đốc Bianfishco đối chiếu lại toàn bộ các khoản nợ nần của Công ty và sẽ chi trả trước 30% tiền nợ mua nguyên liệu cho nông dân trong tháng 9/2012, phần còn lại sẽ trả dần và tất toán nợ mua cá vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, ông Lê không cho biết lộ trình tái cơ cấu nợ và thời gian cụ thể đưa Công ty đi vào sản xuất ổn định. Theo ông Lê, việc này còn phải chờ Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trả lời báo chí về việc SHB có vi phạm quy định các tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 11% vốn điều lệ của Bianfishco, ông Lê cho biết, SHB không trực tiếp sở hữu 25 triệu cổ phần của Bianfishco, mà chỉ là đại diện theo ủy quyền của Công ty Hồ Mây, hơn nữa thương vụ này đã được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ông Phạm Thanh Quang, Giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho biết, bên cạnh việc tư vấn về mặt pháp lý, đưa ra phương án tái cấu trúc cho Bianfishco, DATC cũng đang đàm phán với các các ngân hàng là chủ nợ của Bianfishco và DATC sẽ dành khoảng 100 tỷ đồng để mua lại một phần nợ của Bianfishco, nhằm giúp doanh nghiệp này sớm tái cấu trúc thành công, đi vào hoạt động trở lại.

Ông Quang cho biết, DATC cũng đang xem xét mua lại nợ của một số công ty ngành thủy sản tại TP. Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Mục tiêu chính của họat động này là nhằm cứu một số công ty thủy sản thoát khỏi bờ vực phá sản, tránh cuộc đổ vỡ dây chuyền.