Shell không bán công ty nhựa đường

Shell không bán công ty nhựa đường

Hiện có thông tin Tập đoàn Shell xem xét thay đổi mô hình kinh doanh ngành hàng nhựa đường sau khi rời thị trường gas hoá lỏng (LPG) tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty Shell Việt Nam khẳng định, thông tin Shell xem xét bán công ty nhựa đường tại Việt Nam đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng ngày 17/10/2012 là không chính xác.

Hiện tại, Shell có 2 nhà máy sản xuất nhựa đường tại Khu công nghiệp Gò Dầu (Đồng Nai) và Cửa Lò (Nghệ An). Mặc dù Shell đã phát đi thông tin là đang đánh giá lại ngành hàng nhựa đường tại Việt Nam và có thể thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh thị trường, song kế hoạch chuyển nhượng các nhà máy này chưa được đặt ra.

Ông Lê Duy Thanh, Tổng giám đốc Shell Việt Nam đã khẳng định: “Những thay đổi phù hợp với bối cảnh thị trường và chiến lược kinh doanh của Shell. Cụ thể là, tái tập trung thị trường trọng điểm của ngành hạ nguồn (phân phối và các sản phẩm cuối cùng - PV) vào ít thị trường hơn nhưng quy mô lớn hơn. Chúng tôi đang đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi ngành kinh doanh dầu nhớt vào năm 2015 và quan tâm đến việc đầu tư vào ngành xăng dầu nếu được phép”.

Trước đó, Shell Eastern Petroleum Singapore (thuộc Shell Group) đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ ngành hàng LPG tại Việt Nam cho Công ty Siam Gas (Thái Lan) dưới hình thức bán cổ phần.

Được biết, Tập đoàn Shell đã quyết định bán ngành LPG trên toàn cầu từ tháng 5/2010 và Việt Nam là một trong những thị trường cuối cùng thực hiện quyết định này. Từ nay đến khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, mọi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

Đại diện Shell Việt Nam khẳng định, vào đầu tháng 11 tới, sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý chuyển nhượng cho Siam Gas, Shell Việt Nam sẽ có thông cáo chính thức về thương vụ này cũng như những kế hoạch sắp tới của Shell tại Việt Nam.

Cần phải nhắc lại là, cùng thời điểm Tập đoàn Shell lên kế hoạch bán ngành LPG trên toàn cầu, Shell cũng tuyên bố đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư tăng thị phần trong lĩnh vực dầu nhớt tại thị trường Việt Nam. Với mức thị phần dao động trong 8-10%, Tập đoàn Shell có kế hoạch tăng thị phần lên mức 13% mà họ đang có tại thị trường thế giới. Bởi lẽ, Tập đoàn dự báo, mỗi năm thị trường dầu nhớt Việt Nam tăng trưởng bình quân 7-8%, cao hơn mức tăng trung bình là 4-6% tại thị trường châu Á.

Như vậy, năm 1988, sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, Shell đã trở lại thị trường Việt Nam . Ngay lúc đó, Shell ký kết hợp đồng phân chia sản phẩm đầu tiên để thăm dò dầu khí ngoài khơi Đà Nẵng và sau đó là ngoài khơi Vũng Tàu. Shell đã đầu tư hơn 150 triệu USD vào hoạt động thăm dò khai thác nơi đây, nhưng không tìm thấy mỏ dầu với trữ lượng kinh doanh và hoạt động này đã chấm dứt vào năm 1996.

Trong khi đó, hoạt động tiếp thị và phát triển kinh doanh của Shell bắt đầu năm 1989, cùng với sự thành lập Văn phòng Đại diện quốc tế Shell tại Hà Nội và TP.HCM 4 năm sau. Các ngành hàng của Shell gồm dầu nhớt, nhựa đường, hóa chất lần lượt ra đời và bắt đầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên toàn quốc.

Tuy rời bỏ thị trường gas Việt Nam, nhưng việc xem xét cơ cấu lại mô hình kinh doanh mới của ngành nhựa đường cho thấy, Tập đoàn Shell vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, một thị trường đang lên với hơn 90 triệu dân và nhu cầu năng lượng ngày một tăng