Siết đầu tư công từ hoạt động đấu thầu

Siết đầu tư công từ hoạt động đấu thầu

(ĐTCK) “Nếu như Luật Đấu thầu trước đây chỉ chế tài được một phần vốn nhà nước thì Luật Đấu thầu mới được Quốc hội ban hành sẽ tăng lượng vốn được chế tài lên gấp 2 đến 3 lần”. Đó là khẳng định của ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại cuộc họp báo phổ biến Luật Đấu thầu sáng 13/2 tại Hà Nội.

Mở rộng đối tượng

Điểm mới đầu tiên được ông Tăng nhắc tới là việc Luật Đấu thầu mới đã mở rộng và quy định rõ hơn phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, theo quy định của luật cũ, dự án đầu tư phát triển của cơ quan hoặc DNNN có vốn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước chiếm tỷ lệ 30% trở lên mới phải đấu thầu. Chính từ khe hở này mà rất nhiều dự án đầu tư phát triển đã bị chủ đầu tư “biến báo” để có số vốn nhà nước thấp hơn 30%, từ đó chỉ định thầu để “rút ruột”. Để khắc phục tình trạng này, ông Tăng cho biết, luật mới quy định cơ quan nhà nước, DNNN khi triển khai dự án đầu tư thì dù phần vốn từ ngân sách là 0% cũng phải tổ chức đấu thầu.

Luật mới còn đưa cả sản phẩm, dịch vụ công vào đối tượng phải đấu thầu, bởi theo ông Tăng, vừa qua có những lãnh đạo DN công ích có mức lương “khủng” đến hàng tỷ đồng/năm cũng xuất phát từ chính “lỗ hổng” này. Ngoài ra, Luật cũng quy định, hoạt động mua sắm thường xuyên và mua thuốc, vật tư y tế là đối tượng phải tuân thủ luật này.

Đặc biệt, nếu như trước đây, những dự án liên doanh mà Nhà nước chỉ góp vốn thì không phải đấu thầu khi triển khai, thì nay phải bắt buộc đấu thầu khi Nhà nước tham gia góp vốn trong liên doanh từ 30% trở lên; hoặc dưới 30% nhưng tổng vốn đầu tư dự án từ 500 tỷ đồng trở lên.

Đi kèm với đó, ông Tăng nhấn mạnh, luật mới cũng mở rộng khái niệm vốn nhà nước hơn. Chẳng hạn như trước đây, Luật Đấu thầu chỉ chế tài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thì nay đã mở rộng đến các nguồn vốn khác như: công trái, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước; vốn đầu tư phát triển của DNNN và cuối cùng là giá trị quyền sử dụng đất.

Minh bạch bằng đấu thầu qua mạng

Tại cuộc họp báo, ông Tăng đã thẳng thắn cho biết, hiện nay, có tình trạng “chỉ định thầu” hay “dàn xếp, thông thầu” giữa các nhà thầu khiến cho việc đấu thầu chỉ mang tính hình thức, mà chỗ dựa chính để áp dụng hình thức chỉ định thầu là “việc lạm dụng các điều khoản chưa rõ ràng trong luật”. Do đó, Luật Đấu thầu mới đã bổ sung thêm hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng (đấu thầu điện tử).

Theo ông Tăng, thực tế qua thí điểm đấu thầu điện tử giai đoạn I (trong 3 năm 2009 - 2011) cho thấy, phương thức đấu thầu này đã góp phần giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh để mỗi gói thầu có giá phù hợp nhất, thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả đầu tư công. Chính vì vậy, cho đến thời điểm này, dù chương trình thí điểm đã hết nhưng Cục Quản lý đấu thầu vẫn tiếp tục duy trì và đang xây dựng dự án giai đoạn II.

“Với kinh phí dự kiến khoảng 300 tỷ đồng, dự án giai đoạn II sẽ được trình vào tháng 5/2014 và dự kiến, nếu được thông qua sẽ tiếp tục triển khai từ năm 2015”, ông Tăng nói và cho biết thêm, Luật đã quy định những chế tài rõ ràng, cụ thể đối với các gói thầu quy định đấu thầu qua mạng, trách nhiệm của các bên mời thầu như việc cung cấp danh sách các nhà thầu thường tham gia đấu thầu các dự án của đơn vị đó; có thể áp dụng chế tài “không công nhận kết quả trúng thầu” nếu bên mời thầu không tuân thủ quy định đấu thầu qua mạng.

“Để áp dụng hiệu quả việc đấu thầu qua mạng thì chủ yếu vẫn là yếu tố con người. Ngay khi xây dựng quy định này, lãnh đạo nhiều đơn vị cũng ‘băn khoăn’ lắm, vì họ cảm thấy mất đi quyền lực hay một khoản ‘lợi ích’ nào đó”, ông Tăng thừa nhận thực tế này nhưng cũng cho biết, riêng đối với các nhà thầu nước ngoài hay những nhà thầu trong nước làm ăn chân chính thì lại rất ủng hộ quy định này.

Luật Đấu thầu sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014. Ông Tăng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện 2 dự thảo nghị định về lựa chọn nhà thầu và lựa chọn chủ đầu tư để kịp ban hành trước khi luật này có hiệu lực. Và trong năm 2014 này sẽ hoàn thành từ 5 đến 8 thông tư hướng dẫn thực hiện để Luật “sớm đi vào cuộc sống”.

9 hành vi bị cấm trong đấu thầu

1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu

3. Thông thầu

4. Gian lận

5. Cản trở

6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch

7. Tiết lộ, tiếp nhận tài liệu, thông tin

8. Chuyển nhượng thầu

9. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn chưa xác định

(Nguồn: Luật Đấu thầu)