Sở KH&ĐT Hà Nội “làm khó” doanh nghiệp?

Sở KH&ĐT Hà Nội “làm khó” doanh nghiệp?

(ĐTCK) Phản hồi bài báo “Méo mặt vì đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập” trên ĐTCK số 106 ra ngày 3/9, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định, đơn vị này làm theo quy định của Luật Doanh nghiệp? Tuy nhiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cách làm này máy móc, chưa tạo thuận lợi cho DN...

> "Méo mặt” vì đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập

  Sở: “Cần sửa luật”

Theo phản ánh của DN, khi muốn thay đổi đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đều yêu cầu DN phải hoàn tất thủ tục thông báo biến động về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập đã hết thời hạn 3 năm bị hạn chế chuyển nhượng đến cơ quan ĐKKD, để cập nhật vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD). Yêu cầu này, theo DN là không đúng luật và gây phiền hà. Lý do là bởi Điều 84, Luật Doanh nghiệp quy định về cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập và Nghị định 43/2010 về đăng ký DN, đều không hề quy định các DN phải thông báo về biến động tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập đã hết thời hạn 3 năm bị hạn chế chuyển nhượng cho cơ quan đăng ký kinh doanh, để cập nhật vào GCNĐKKD.

Tuy nhiên, ông Trần Hà Thanh, Phó trưởng Phòng đăng ký kinh doanh số 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định, cách làm trên của đơn vị là đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 26, Luật Doanh nghiệp quy định: “Khi thay đổi người đại diện theo pháp luật của DN và các vấn đề khác trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh, thì DN phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi...”. Ông Thanh cho rằng, việc biến động tỷ lệ sở hữu cổ phần được coi là thuộc “các vấn đề khác trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh…”, nên tuy cổ đông sáng lập đã hết thời hạn bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần, nhưng DN vẫn phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào GCNĐKKD.

Tuy nhiên, tại các DN niêm yết, sau khi hết 3 năm bị hạn chế chuyển nhượng, nhiều cổ đông sáng lập mua bán cổ phiếu hàng ngày, nên thường xuyên biến động tỷ lệ sở hữu cổ phần. Trước thực tế này, theo các DN, nếu làm theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thì gần như ngày nào DN cũng phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, để cập nhật thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD.

Trả lời bức xúc của các DN, ông Thanh thừa nhận, nếu làm theo quy định tại Điều 26, Luật Doanh nghiệp, thì có đến 80 - 90% DN sẽ bị xử phạt, vì không chấp hành quy định trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có biến động tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập, DN phải cập nhật vào GCNĐKKD. Nguyên tắc là như vậy, nhưng trên thực tế, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng linh hoạt theo hướng, mỗi khi DN thay đổi đăng ký kinh doanh, thì mới phải làm thủ tục cập nhật tỷ lệ vốn góp của cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD…

Tuy nhiên, với những trường hợp DN thường hay phải thay đổi đăng ký kinh doanh, thì việc phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD là một gánh nặng.

Cho rằng với quy định pháp lý hiện tại thì cơ quan đăng ký kinh doanh chẳng thể làm khác, ông Thanh đề nghị, để tạo thuận lợi cho DN, thì hoặc là phải sửa Luật Doanh nghiệp, hoặc Nghị định 43/2010 và các văn bản liên quan. Trong đó làm rõ “các vấn đề khác trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh…”, không bao gồm việc DN phải có nghĩa vụ thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh tình trạng biến động tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập đã hết 3 năm bị hạn chế chuyển nhượng, để cập nhật vào GCNĐKKD. Hoặc bổ sung quy định nói rõ: mọi hoạt động chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập sau 3 năm hạn chế chuyển nhượng, không phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để điều chỉnh vào GCNĐKKD. Trong trường hợp vẫn cần buộc DN thông báo tình trạng biến động tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập sau khi hết 3 năm bị hạn chế chuyển nhượng, để điều chỉnh vào GCNĐKKD, thì nên quy định rõ định kỳ hàng năm hoặc dài hơn, DN mới phải cập nhật thông tin này, để tránh phiền hà cho DN.

 

Cục: “Đừng máy móc”

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, cổ đông sáng lập là những người sáng lập ra DN. Họ mãi là cổ đông sáng lập ngay cả khi không sở hữu cổ phần nào tại DN. Nói cách khác, danh sách cổ đông sáng lập là bất di bất dịch trong GCNĐKKD. Hiện không có một quy định cụ thể nào buộc DN phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh tình trạng biến động tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập đã hết 3 năm bị hạn chế, để cập nhật vào GCNĐKKD. Trên thực tế, sau khi hết thời hạn bị hạn chế chuyển nhượng, cổ đông sáng lập, nhất là cổ đông tại các DN niêm yết có thể thường xuyên mua bán cổ phiếu. Điều này làm cho tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ tại DN thường xuyên biến động. Trong trường hợp này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội yêu cầu DN phải liên tục thông báo tình trạng biến động này đến cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào GCNĐKKD là máy móc, chưa tạo thuận lợi cho DN.

Để tháo gỡ bức xúc của DN, theo lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, không phải đợi sửa Luật Doanh nghiệp cũng như các văn bản liên quan, mà chỉ cần cơ quan đăng ký kinh doanh áp dụng cách làm: khi nào DN cảm thấy cần thông báo sự thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập đã hết thời hạn 3 năm bị hạn chế chuyển nhượng, để cơ quan đăng ký kinh doanh có cơ sở cập nhật vào GCNĐKKD, thì DN tự nguyện làm, thay vì bắt buộc DN phải thông báo như Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang làm.      

Sở KH&ĐT Hà Nội “làm khó” doanh nghiệp? ảnh 1

Sau 3 năm hạn chế, các cổ đông sáng lập của DNniêm yết có thể thường xuyên mua bán cổ phiếu trên sàn