SSI Research gợi ý 8 cổ phiếu là cơ hội đầu tư trong các nhịp điều chỉnh tháng 6

SSI Research gợi ý 8 cổ phiếu là cơ hội đầu tư trong các nhịp điều chỉnh tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đã bước vào chu kỳ tăng điểm với nhịp tăng vừa phải và mục tiêu trong tháng 6 hướng đến vùng 1.150 - 1.160. Do đang tiến gần vùng đỉnh cũ, những nhịp điều chỉnh và rung lắc có khả năng sẽ diễn ra với mốc hỗ trợ là 1.060 điểm.

SSI Research nhận định, trong xu hướng tăng và dòng tiền năng động xoay vòng nhanh, cơ hội mở rộng với nhà đầu tư ngắn hạn ở các mã hoàn thành quá trình điều chỉnh cũng như có tín hiệu kỹ thuật tốt. Với nhà đầu tư trung hạn, SSI cho rằng chiến lược phù hợp là theo dõi những cổ phiếu có nền cơ bản tốt, có câu chuyện và tận dụng các những nhịp điều chỉnh trong xu hướng chính của thị trường là tăng để gia tăng tỷ trọng.

Nhìn chung, xét về yếu tố dòng tiền và xu hướng kỹ thuật, SSI cho rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục nương theo nhịp tăng này để tìm kiếm lợi nhuận, song song đó là cần thiết quản trị tốt rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục giữa các nhóm ngành và tuân thủ kỷ luật đã đề ra với các giao dịch ngắn hạn.

8 cổ phiếu khuyến nghị tháng 6

STB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín

SSI kỳ vọng STB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ) năm 2023 chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần và NIM quay về đúng quỹ đạo của nó. Giả định này của SSI đã bao gồm việc STB sẽ hoàn tất việc trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng và không có bất kỳ khoản thu nhập bất thường nào được hạch toán trong năm.

Năm 2024, với việc hoàn tất trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC, SSI dự phóng lợi nhuận trước thuế của STB sẽ là 16 nghìn tỷ đồng (tăng 68,3% so với cùng kỳ). SSI cho rằng cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn cho việc xử lý hơn 30% cổ phần của STB đang bị phong tỏa trong trái phiếu VAMC,vì thế nhóm chuyên gia không tính đến khoản thu nhập bất thường nào vào giả định cho năm 2024.

Chất lượng tài sản trong vòng kiểm soát vì STB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và chỉ một phần nhỏ tín dụng cho vay các chủ đầu tư bất động sản (khoảng 3% dư nợ tín dụng). Tăng trưởng lợi nhuận của STB rất hứa hẹn trong năm 2023 và 2024 khi STB từng bước hoàn tất đề án tái cơ cấu của mình và giúp cải thiện ROE.

MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội

Dư nợ tín dụng tại MBB tiếp tục tăng trưởng ổn định và dự báo đạt khoảng 7 - 8% tính tới cuối tháng 5/2023. Mức tăng trưởng này sẽ hỗ trợ cho tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong quý II/2023.

Gánh nặng về rủi ro nợ xấu kỳ vọng dần được giải quyết khi một số dự án của Novaland dự kiến tái khởi động như Novaworld Phan Thiết và Novaworld Hồ Tràm. Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cũng đã thống nhất được mức giá tạm cho phần công suất còn lại. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ dự báo ổn định trong quý II/2023.

Lợi nhuận 2023 của ngân hàng dự báo đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ và ROE ở mức 24,6%. MBB đang được giao dịch tại P/E và P/B năm 2023 ở mức 4,66x và 1x.

MBS - CTCP Chứng khoán MB

Với việc thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt trong quý II, kết quả kinh doanh quý II của MBS được kỳ vọng khả quan đảo chiều tăng trưởng dương sau 4 quý ghi nhận kết quả âm.

MBS có sức khỏe tài chính tương đối tốt với tỷ lệ cho vay ký quỹ/tổng VCSH là 98%; tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp/tổng tài sản là 18%, các khoản phải thu và dự phòng không ghi nhận mức tăng đột biến trong vòng 3 quý qua cho thấy rủi ro thanh khoản đối với MBS là hạn chế. Room cho vay ký quỹ của MBS vẫn có thể được mở rộng nhờ MBS có kế hoạch tăng vốn thêm 570 tỷ đồng trong 2023 thông qua phát hành cổ tức bằng cổ phiếu.

MBS có lợi thế truyền thống về mảng môi giới khách hàng cá nhân, cũng như nằm trong hệ sinh thái của Ngân hàng MB là yếu tố SSI kỳ vọng kết quả kinh doanh của MBS sẽ có sự bứt phá trong các quý tiếp theo. MBS đang được giao dịch tại P/B năm 2023 ở mức 1,4 lần.

KBC - Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP

Theo tài liệu ĐHĐCĐ, KBC đề xuất duy trì kế hoạch kinh doanh 9 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 9,4 lần) và 4 nghìn tỷ đồng lãi ròng (tăng 151%). Kế hoạch lạc quan này dựa trên kỳ vọng bàn giao khoảng 250 ha đất khu công nghiệp và 10 ha đất đô thị trong năm nay.

KBC duy trì kế hoạch tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 20%, dự kiến chi trả trong năm 2023 theo một hoặc nhiều đợt.

Áp lực nợ vay giảm đáng kể, tính đến hết tháng 5, KBC đã thanh toán 70% số lượng trái phiếu đang lưu hành nhờ dòng tiền dồi dào thu được từ các khách thuê lớn. Trong ngắn hạn, Công ty đặt mục tiêu thanh toán toàn bộ số trái phiếu còn lại, điều này sẽ làm giảm bớt áp lực thanh toán nợ cho công ty.

Đầu tháng 5 vừa qua, Goertek đã nhận bàn giao diện tích lớn tại KCN Nam Sơn – Hạp Lĩnh, dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh quý II sắp tới.

NLG - CTCP Đầu tư Nam Long

Do tình hình thị trường bất động sản chưa khởi sắc, từ đầu năm đến nay NLG chưa mở bán mới dự án nào. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, sau các đợt giảm lãi suất, tình hình bán hàng đã có dấu hiệu khả quan hơn. Kết quả bán hàng từ giữa tháng 4 tới nay có tăng trưởng tốt so với 3 tháng đầu năm. Trong đó, Akari đóng góp phần lớn, còn lại là Mizuki.

Tiểu khu 1A-1 của KĐT Izumi đã hoàn tất pháp lý. Tiểu khu này gồm 275 căn thấp tầng NLG đang xây dựng và đã bán hết. Hiện tại sau khi hoàn chỉnh pháp lý, Công ty có thể triển khai ký hợp đồng mua bán với khách hàng và tiến hành bàn giao trong năm nay.

KSB - Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương

Nhu cầu tiêu thụ đá tại mỏ Phước Vĩnh dự kiến tăng hơn 18% so với cùng kỳ nhờ vào các công trình hạ tầng kết nối Bình Dương và Bình Phước và các công trình công tại Bình Dương. Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàng Bàng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ đá tại mỏ Phước Vĩnh dự kiến tăng 20% với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,5 triệu m2. Bên cạnh đó, 2 mỏ Tân Lập và Thiện Tân dự kiến sản lượng phục hồi từ mức thấp 2022, dự kiến sản lượng tăng trung bình 15%.

KSB sở hữu 41% VLB - đơn vị sở hữu các mỏ đá lớn nhất miền Đông Nam Bộ giúp KSB duy trì tăng trưởng trong tương lai.

SSI dự báo lợi nhuận sau thuế quý II của KSB đạt 68 tỷ đồng (tăng 19%) nhờ vào doanh thu hoạt động khai thác đá dự báo tăng trưởng 14% (sản lượng bán tăng 8% và giá bán tăng 6%). Đồng thời ghi nhận phần còn lại KCN Đất Cuốc mở rộng.

Tuy nhiên, rủi ro sẽ đến từ khoản phải thu tăng mạnh từ việc bán đá vào các công trình công; chậm trễ trong việc nâng sở hữu tại VLB. Cùng với đó là khó khăn trong việc nâng công suất tại các mỏ đá hiện hữu và rủi ro pha loãng cổ phiếu khi phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 giá 16.000 đồng/CP trong năm 2023.

MWG - CTCP Đầu tư Thế giới di động

Trong tháng 4, Công ty ghi nhận mức doanh thu 27,5 nghìn tỷ, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng doanh thu phục hồi so với tháng trước.

Trong các tháng cuối năm, SSI kỳ vọng việc hạ lãi suất và việc khôi phục xuất khẩu sẽ dần kích thích nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tiêu dùng. SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của MWG ở mức 3 nghìn tỷ (giảm 27%) trong 2023 và 4,56 nghìn tỷ (tăng 52%) trong 2024.

PVS - Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam

PVS là doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn và các nhiều cơ hội tham gia vào dự án Lô B trong thời gian tới. Với khả năng có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho Lô B đang đến gần, SSI kỳ vọng sẽ có những tiến triển tích cực trong việc đàm phán để giải quyết các vướng mắc về việc triển khai dự án trong thời gian tới, đặc biệt là liên quan đến sản lượng khí và hợp đồng bán khí GSA giữa các bên. SSI duy trì giả định Lô B có thể có FID sớm nhất vào cuối 2023.

Với giả định PVS có thể đạt được USD 700 triệu backlog EPC từ giai đoạn 1 của Lô B (cho đến lúc có dòng khí đầu tiên vào 2026), NPATMI của PVS có thể tăng trưởng 15,9%/năm trong giai đoạn 2023 - 2026.

Tin bài liên quan