SSI Research hạ dự báo tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp thép trong quý II, III/2022

SSI Research hạ dự báo tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp thép trong quý II, III/2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo cập nhật ngành thép mới đây, các chuyên gia đến từ SSI Research đã đánh giá, sau khi tăng 15% trong quý I/2022 do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

SSI cho biết, nhu cầu thép yếu hơn đáng kể đến từ 3 yếu tố chính. Thứ nhất, giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ. Thứ hai, lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho. Thứ ba, các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Về xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ là 13%. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV/2021.

SSI Research cho biết, sự sụt giảm về sản lượng do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ và EU - những thị trường trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60 - 70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam. Các công ty tôn mạ như Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) đã nhận được đơn hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và tháng với sản lượng khoảng 60.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, việc các đơn hàng xuất khẩu từ 1 - 2 tháng cho thấy xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước, khi các công ty được ký trước khoảng 3 - 4 tháng.

Bên cạnh đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 01/07/2021 đến 30/06/2022, và tăng 4% trong 2 năm tới.

Mặt khác, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, còn giá thép HRC cũng đã giảm 25% so với mức đỉnh vào tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.

Trong khi đó, giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 4, giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt từ Trung Quốc). Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, song nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo.

“Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý II và quý III năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018 - 2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn”, các chuyên gia SSI dự báo.

Hạ dự báo lợi nhuận doanh nghiệp thép

Đối với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), các chuyên gia SSI đã điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 từ 176.000 tỷ đồng và 31.100 tỷ đồng xuống lần lượt 160.000 tỷ đồng (tăng 6,9% so với cùng kỳ) và 26.500 tỷ đồng (giảm 23,1%) chủ yếu do giả định giá thép giảm. Sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC, thép ống và phôi thép ước tính lần lượt là 4,7 triệu tấn (tăng 19%), 2,8 triệu tấn (tăng 9%), 690.000 tấn (tăng 5%) và 700.000 tấn (giảm 46,6%).

Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu HPG đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 5,2 lần - mức thấp nhất trong lịch sử. SSI đã giảm P/E và EV/EBITDA mục tiêu 1 năm lần lượt từ 7,5x và 5,5x xuống 6x và 4,5x, do định giá các công ty cùng ngành trong khu vực giảm trong bối cảnh lạm phát gia tăng và triển vọng lợi nhuận suy yếu.

Đối với HSG, SSI dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Các chuyên gia SSI Research dự báo, sản lượng tiêu thụ của HSG sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6% so với cùng kỳ. Hiện tại, HSG đang giao dịch ở với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 6,3x và 6,0x.

Đối với NKG, SSI dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2022 sẽ giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 1.350 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 4% so với cùng kỳ, xuống 1,04 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu có thể giảm 9%, còn sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 5% so với cùng kỳ. Hiện tại, NKG đang giao dịch ở mức P/E 2022 và 2023 lần lượt là 3,7 lần và 4,9 lần.

SSI Research đánh giá, giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. Với mức định giá hiện tại, SSI đánh giá rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước, đặc biệt là đối với nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đà tăng cũng có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng thép biến động trong những quý tới.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Rerearch nhìn nhận, giá thép đã đạt đỉnh và có sự điều chỉnh. Vậy nên, với những ngành mang tính chu kỳ, khi nhà đầu tư quan tâm việc xuống tiền hoặc bán phải rất quan tâm đến cổ phiếu đang ở chu kỳ nào, doanh nghiệp đang ở chu kỳ nào. Chu kỳ bây giờ ngắn hơn so với trước kia, khoảng 2 - 3 năm. Tuy nhiên, nếu chúng ta đang ở đỉnh chu kỳ ấy và trên đà đi xuống thì nghĩa là trong giai đoạn 2 - 3 năm tới, cơ hội sẽ hạn chế.

Tin bài liên quan