Standard Chartered: GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8% năm 2018

(ĐTCK) Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 đạt mức 6,8%, với động lực chính là hoạt động sản xuất đang duy trì mạnh mẽ.

Dự báo này được đưa ra tại sự kiện thuyết trình kinh tế toàn cầu thường niên của Standard Chartered tổ chức hôm nay 17/1 tại TP. Hồ Chí Minh.

Sự kiện thu hút các đại diện cấp cao đến từ hơn 100 khách hàng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài của Ngân hàng.

Standard Chartered: GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8% năm 2018 ảnh 1

 Toàn cảnh sự kiện thuyết trình kinh tế toàn cầu thường niên của Standard Chartered 

Tại sự kiện, các diễn giả trình bày và thảo luận về báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu do Standard Chartered xuất bản gần đây với tựa đề “Beware of the dog” (tạm dịch: Cẩn thận chó dữ) và báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất của Ngân hàng về Việt Nam mang tên “Vietnam in 2018 – Fast or Furious?”.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong năm 2017. Qua đó, giúp giảm thiểu nguy cơ bất ổn của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN khác, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xây dựng lòng tin của công chúng đối với năng lực quản lý và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm 2018", ông Nirukt Sapru nhấn mạnh.

Theo ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, “Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2017, mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây, đúng theo dự báo của chúng tôi và cao hơn mức kỳ vọng chung.

Chúng tôi lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiếp tục duy trì ở mức cao".

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất về Việt Nam của Standard Chartered, lĩnh vực sản xuất được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2018, với sự hỗ trợ của dòng vốn FDI và nhu cầu lớn đối với mặt hàng điện tử trên toàn cầu. Xuất khẩu hàng điện tử sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn, qua đó tạo ra thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung.

Ngân hàng dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đạt gần 15 tỷ USD, và vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, sẽ duy trì ở mức cao trong trung hạn.

Dòng vốn FDI dự báo sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đạt gần 15 tỷ USD, và vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử sẽ duy trì ở mức cao trong trung hạn. 

Ông Chidu Narayanan cho biết thêm:  “Việt Nam đã có được nhiều lợi ích từ việc tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực, dân số trẻ và được giáo dục tốt, lực lượng lao động ngày càng dồi dào, chi phí thấp, và sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc. Những yếu tố này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong trung hạn.”

Báo cáo cũng dự đoán mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ, trong đó đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước.

Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp gần 40% cho nền kinh tế, tăng trưởng 7,45% trong năm 2017, mức cao nhất kể từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Lĩnh vực xây dựng cũng sẽ tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng đạt gần 10% trong năm 2018, sau khi chậm lại trong cả năm 2017.

Tin bài liên quan