Sự “cầu toàn” chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Các chính sách thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) đang được gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào sáng mai (17/5). Do yêu cầu cấp bách, nên khó có thể cầu toàn, song chính sách vẫn cần đủ mạnh để tạo động lực mới cho kinh tế tư nhân.

Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ chín theo thủ tục rút gọn. Nằm trong số những công việc “vừa chạy vừa xếp hàng”, nên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã bố trí thẩm tra ngay khi có hồ sơ, trong phiên họp kéo dài tới chiều muộn trong ngày.

Hôm ấy, không chỉ các vị đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban di chuyển ngay từ nơi họp tổ về phòng họp thẩm tra, mà cả 2 vị phó chủ tịch Quốc hội (ông Nguyễn Đức Hải và Vũ Hồng Thanh), 1 phó thủ tướng (ông Nguyễn Chí Dũng) cũng có mặt trên bàn chủ tọa.

Thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn, Dự thảo Nghị quyết có nhiều quy định đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.

Cần nói thêm rằng, ngay tại kỳ họp này, Quốc hội đã và đang cho ý kiến nhiều dự thảo luật có liên quan trực tiếp các nội dung của Nghị quyết 68, như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… Ngoài ra, nhiều đạo luật khác cũng sẽ được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế, trong đó pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân, ngay trong năm nay (Kỳ họp thứ mười của Quốc hội). Vì thế, vấn đề khó nhất, theo Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, là phân loại và bóc tách nội dung gì thể chế hóa ở Dự thảo Nghị quyết, nội dung nào đưa vào các luật đang sửa và nội dung nào sẽ tiếp tục sửa.

Cũng vì thế, rất khó để cầu toàn theo hướng chính sách vừa “vượt” luật, đủ sức gỡ tất tật các rào cản, vừa rõ ràng minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thông thoáng cho doanh nghiệp, mà vẫn bảo vệ được những người tham gia xây dựng, ban hành và triển khai chính sách.

Nhưng, nhất định phải “cầu toàn” theo cách lắng nghe nhiều nhất có thể, tiếp thu nhiều nhất có thể, rà soát toàn diện nhất có thể và quy định dễ thực hiện nhất có thể, chứ không chỉ chuyển tải tinh thần Nghị quyết 68. Bởi vậy, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngoài giờ (từ 17h ngày 14/5) để cho ý kiến về Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ rằng, 21 giờ ngày 13/5, ông nhận bản Dự thảo đang còn “nóng hổi”, sau đó, ông có góp ý và phiên bản sau khiến ông thấy an tâm hơn.

Thời gian quá gấp gáp, nên theo Chủ tịch Quốc hội, thì “tạm chấp nhận ban hành nghị quyết của Quốc hội cuối tuần này”, còn tiến tới năm 2026 có thể làm luật về phát triển kinh tế tư nhân.

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng lý giải, Dự thảo có nhiều nội dung về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phá sản… được các doanh nghiệp trông chờ, song cũng khó để cụ thể hóa hết ngay được. Nhưng đó là thông điệp tiền đề để sửa đổi, bổ sung, xây dựng các luật tiếp theo.

Chính sách chắc chắn chưa thể hoàn hảo như mong muốn của các đối tượng được thụ hưởng. Chưa kể, áp lực về thời gian không hề nhỏ, nhất là khi thời gian bấm nút Dự thảo được điều chỉnh sớm lên 1 tháng (từ ngày 28/6 xuống 17/5). Nhưng, trong trường hợp cấp bách, sự “cầu toàn” của chính sách được đo bằng những phiên làm việc “xuyên đêm sáng đèn” của cả cơ quan hành pháp và lập pháp. Tất cả, cũng vì một điểm tựa vững chắc hơn cho khu vực kinh tế đang được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Tin bài liên quan