Sức bật cho đầu tư tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Dù bối cảnh toàn cầu không thuận, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể gặp khó, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để tạo sức bật cho đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra chứng kiến trao Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn WHA (Thái Lan) về việc phát triển Khu công nghiệp Phù Cừ. Ảnh: Đức Thanh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra chứng kiến trao Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn WHA (Thái Lan) về việc phát triển Khu công nghiệp Phù Cừ. Ảnh: Đức Thanh

Cơ hội từ các thỏa thuận chiến lược

Hàng loạt thỏa thuận hợp tác đã được ký giữa Việt Nam và Thái Lan, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra - chuyến thăm mà hai bên đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, đầu tư.

Trong các thỏa thuận hợp tác, đáng chú ý có biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn WHA (Thái Lan) về việc phát triển Khu công nghiệp Phù Cừ; biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư chiến lược giữa UBND tỉnh Phú Thọ và Tập đoàn Amata Việt Nam; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh (Thanh Hóa), do Tập đoàn Amata đầu tư.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà “hai ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Thái Lan có những kế hoạch mới trong phát triển hạ tầng các khu công nghiệp ở Việt Nam, sau khi đã đổ hàng tỷ USD để phát triển các dự án ở Quảng Ninh, Đồng Nai, Nghệ An… Lý do duy nhất là để đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào Việt Nam, bất chấp những khó khăn do biến động kinh tế thế giới.

Tổng giám đốc điều hành Amata Việt Nam, bà Somhatai Panichewa, khi ký Biên bản ghi nhớ chiến lược với UBND tỉnh Phú Thọ, đã cho biết, Amata - bằng kinh nghiệm, uy tín và quan hệ quốc tế của mình, sẽ hỗ trợ tỉnh Phú Thọ trong việc quảng bá và lan tỏa lợi thế cạnh tranh đầu tư của tỉnh, nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực ở Thái Lan và trên thế giới. “Chúng tôi sẽ triển khai nghiên cứu đầu tư và thực hiện các dự án trong các lĩnh vực khu công nghiệp, khu đô thị - thành phố thông minh, dịch vụ logistics, thương mại… tại tỉnh Phú Thọ”, bà nói.

Nhiều thông tin tích cực khác cũng cho thấy, khi quan hệ hợp tác giữa các quốc gia được thúc đẩy, dòng đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội được tăng cường. Một ví dụ là trong cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây tại Nga, ông Kudryashov Sergei Ivanovich, Tổng giám đốc Zarubezhneft - một tập đoàn dầu khí lớn của Nga, đã cho biết, đang hợp tác với các đối tác Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi và hydrogen xanh... tại Việt Nam.

Trong khi đó, gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Bành Cương Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Điện (Trung Quốc) cho biết, Tập đoàn mong muốn tiếp tục đầu tư phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó dự kiến triển khai thêm các dự án điện sinh khối, điện gió, dự trữ năng lượng tại Đắk Lắk, Trà Vinh, Quảng Trị, Lâm Đồng. Hoa Điện đã đầu tư khoảng 2,8 tỷ USD vào các dự án điện tại Việt Nam, với tổng công suất lắp đặt đạt 1,5 GW.

Tương tự, khi đoàn công tác của Bộ Tài chính có chuyến công tác đến Mỹ và làm việc với các tập đoàn lớn như Intel, Meta…, các cam kết về việc tiếp tục các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã được đưa ra.

Sức bật cho đầu tư tại Việt Nam

Một khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD vừa tiếp tục được Quỹ đầu tư Warburg Pincus của Mỹ đầu tư vào Dự án The Grand Hồ Tràm - dự án mà Warburg Pincus đầu tư tại Việt Nam từ năm 2013. Phân khu mới của Dự án, với quy mô 35 ha, vừa được khởi công xây dựng. Sự kiện này, có thể nói, như một lời khẳng định về niềm tin mà các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam trong bối cảnh câu chuyện thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến dòng đầu tư nước ngoài.

Những diễn biến hiện tại cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong Báo cáo Đầu tư quý I/2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa được công bố, Savills cho biết, tâm lý của nhà đầu tư trong khu vực tiếp tục duy trì sự thận trọng, phản ánh tác động từ môi trường kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Dù vậy, một số thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện về hoạt động đầu tư trong quý vừa qua.

Theo Savills, năm 2025 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của hạ tầng cơ sở tại Việt Nam, với loạt dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và một phần dự kiến đưa vào vận hành ngay trong năm. Nổi bật trong số này là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3 TP.HCM.

Các dự án không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, mà còn đóng vai trò nền tảng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn chuyển dịch mới. “Cải thiện chính sách và phát triển hạ tầng là sức bật cho đầu tư tại Việt Nam”, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định.

Thực tế, câu chuyện thuế quan của Mỹ đang gây phân vân cho không ít nhà đầu tư. Tuy vậy, trong cuộc làm việc với ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Mỹ mới đây, bà Molly Montgomery, Giám đốc Chính sách công, phụ trách thị trường Hoa Kỳ cùng các đồng nghiệp tại Meta DC đánh giá cao cách Việt Nam chủ động ứng phó với các vấn đề liên quan đến thuế quan của Mỹ.

“Với những công ty có mạng lưới sản xuất lớn tại Việt Nam, những tuyên bố và ứng phó của Chính phủ Việt Nam với chính quyền Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng với chủ trương tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, bà Molly Montgomery nhấn mạnh và cho biết, Việt Nam là thị trường quan trọng của Meta và ngày càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh nhiều nhà máy sản xuất chuyển sang Việt Nam.

Khi Việt Nam đã là thị trường quan trọng, thì các quyết định đầu tư sẽ sớm được đưa ra. Tuy vậy, để thu hút đầu tư, các cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Khi Báo cáo PCI 2024 được công bố, các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục ở vị thế thuận lợi để đón nhận làn sóng đầu tư mới trong tương lai. Tuy nhiên, để duy trì động lực này, đòi hỏi Việt Nam phải kiên trì với các cải cách thể chế sâu rộng, hiện đại hóa hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin bài liên quan